Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Nam Cực

.

Hình ảnh vệ tinh do trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ chụp được cho thấy Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở Nam Cực với việc khôi phục hoạt động xây dựng trạm nghiên cứu thứ 5 tại đây lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Theo Reuters, trạm thứ 5 được xây dựng trên đảo Inexpressible gần Biển Ross, dự kiến bao gồm một đài quan sát với một trạm vệ tinh mặt đất. Cụ thể, hình ảnh vệ tinh của CSIS được chụp vào tháng 1-2023 xác định Trung Quốc đã nối lại việc xây dựng các cơ sở hỗ trợ mới, các tòa nhà tạm thời, bãi đáp trực thăng và móng tòa nhà chính với tổng diện tích rộng 5.000m2. Sau khi hoàn thành, trạm mới của Trung Quốc dự kiến gồm cầu cảng cho các tàu phá băng Tuyết Long. Ước tính việc xây dựng có thể hoàn thành vào năm 2024.

Trung Quốc đã tìm cách phát triển các tuyến đường vận chuyển mới ở Bắc Cực và mở rộng nghiên cứu ở Nam Cực. Bắc Kinh đã thành lập 4 cơ sở nghiên cứu khoa học ở Nam Cực từ năm 1984. Trung Quốc không đơn độc trong việc củng cố sự hiện diện và các hoạt động nghiên cứu của mình ở lục địa băng giá, nơi một số quốc gia như Mỹ, Anh và Hàn Quốc đều đang vận hành các trạm nghiên cứu. Tuy nhiên, các nước phương Tây lo ngại Trung Quốc sử dụng các cơ sở này vào “mục đích kép”, trong bối cảnh cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Mỹ ngày càng tăng và lo ngại của phương Tây về chính sách đối ngoại quyết đoán và khả năng giám sát của Bắc Kinh.

Reuters dẫn nhận định của CSIS cho rằng, trạm mới có thể hỗ trợ Trung Quốc “lấp khoảng trống lớn” trong năng lực tiếp cận Nam Cực nhưng địa điểm này cũng có thể được sử dụng để tăng cường thu thập thông tin tình báo. Theo CSIS, trạm thứ 5 này vừa có thể cung cấp khả năng theo dõi và liên lạc cho hệ thống vệ tinh khoa học quan sát vùng cực đang phát triển của Trung Quốc, đồng thời có thể được sử dụng để chặn liên lạc vệ tinh của các quốc gia khác. CSIS giải thích, trạm nghiên cứu mới này có vị trí thuận lợi cho việc thu thập tín hiệu tình báo về Úc và New Zealand cũng như dữ liệu đo từ xa các tên lửa được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Arnhem mới của Úc. Chính phủ phương Tây cũng lo ngại sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh ở các vùng cực có thể giúp quân đợi nước này sở hữu khả năng giám sát tốt hơn. Trạm thứ 5 của Trung Quốc chỉ cách trạm quan sát lớn nhất của Mỹ tại khu vực này là McMurdo 320 km.

Trong khi đó, Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng các trạm nghiên cứu của nước này sẽ được dùng cho hoạt động do thám. Báo cáo năm 2022 của Bộ Quốc phòng Trung Quốc lưu ý rằng, chiến lược của Trung Quốc đối với Nam Cực, gồm sử dụng các công nghệ, cơ sở và nghiên cứu khoa học lưỡng dụng, một phần nhằm cải thiện khả năng của quân đội. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh bản chất khoa học của các hoạt động tại Nam Cực. Trong bài phát biểu trước các nhà nghiên cứu ở các vùng cực vào đầu năm nay, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã ca ngợi những đóng góp của các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho sự hiểu biết khoa học của nhân loại và việc sử dụng hòa bình các vùng cực và đại dương.

Theo Hiệp ước Nam Cực năm 1959 mà Trung Quốc là một bên tham gia, các hoạt động trên lục địa này bị hạn chế vì mục đích hòa bình. Quân nhân được phép tiến hành nghiên cứu khoa học nhưng bị cấm thành lập căn cứ, tiến hành diễn tập hoặc thử nghiệm vũ khí.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.