Vén màn sự thật việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan

.

Chiến sự tại Afghanistan được xem là một trong những cuộc chiến “hao người tốn của” và kéo dài nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Việc Washington quyết định rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan khép lại cuộc chiến gần hai mươi năm tại nước Tây Nam Á. Tuy nhiên, động cơ nào khiến Mỹ đi đến quyết định này vẫn khiến dư luận đặt dấu hỏi.

Ngày 31-8-2021, tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan và kết thúc chiến dịch sơ tán công dân Mỹ”. Việc rút quân thần tốc gây sốc cho người Mỹ và các đồng minh, trong bối cảnh Taliban nhanh chóng đánh bại lực lượng chính phủ Afghanistan do phương Tây huấn luyện, buộc những binh sĩ cuối cùng của Mỹ phải tiến hành cuộc sơ tán tuyệt vọng khỏi sân bay ở Kabul.

Đáng chú ý, trong khi đang diễn ra chiến dịch không vận quân sự chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ để sơ tán tổng cộng hơn 120.000 công dân của Mỹ, của các đồng minh và người dân Afghanistan khỏi nước này chỉ trong vài ngày thì một vụ đánh bom tự sát tại sân bay khiến 13 binh sĩ Mỹ và 170 người Afghanistan thiệt mạng làm rung động cả thế giới lúc bấy giờ. Vì thế, dư luận quốc tế đặt ra rất nhiều câu hỏi xung quanh cuộc rút quân bất ngờ. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng khẳng định, Mỹ rút toàn bộ binh lính vì đã đạt được các mục tiêu khi đưa quân sang Afghanistan, đó là làm suy yếu al-Qaeda và ngăn chặn cuộc tấn công tương tự thảm kịch ngày 11-9-2001 nhằm vào Mỹ?!

Tuy nhiên, New York Times tiết lộ những thông tin hậu trường về các cuộc bàn thảo của Nhà Trắng, cũng như nguyên nhân Tổng thống Biden cương quyết rút quân hoàn toàn khác. Theo đó, Lầu Năm Góc đưa ra cảnh báo nghiêm trọng đối với ông Biden ngay trước khi ông nhậm chức tổng thống về khả năng Taliban đánh bại quân đội Afghanistan. Tuy nhiên, tình báo Mỹ lúc đó lại đánh giá sự sụp đổ quân đội Afghanistan chỉ có thể xảy ra trong 18 tháng chứ không phải vài tuần.

Thực chất, Mỹ biết rõ các vấn đề nội bộ của quân đội Afghanistan gồm tham nhũng, tình trạng đào ngũ, không có đủ lương thực cho binh lính. Sự tồn tại dai dẳng của những vấn đề đó củng cố niềm tin của ông Biden về việc Mỹ không thể chống đỡ cho Afghanistan vĩnh viễn. Ông Biden nhận định, việc ở lại thêm một năm, hoặc thậm chí 5 năm, không thể tạo sự khác biệt đáng kể và không đáng để mạo hiểm. Sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ chỉ làm chính phủ Afghanistan càng phụ thuộc Washington. Ông Biden tin rằng bất kể Mỹ làm gì, Afghanistan gần như chắc chắn sẽ rơi vào cuộc nội chiến khác?!

Đáng chú ý, ngày 8-3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ mở cuộc điều trần về việc rút quân. Đây là nỗ lực của phe Cộng hòa kể từ khi Hạ viện do đảng Cộng hòa nắm thế đa số trong việc chỉ trích Tổng thống Biden về cuộc rút quân hỗn loạn này. Ngày 6-4, Nhà Trắng cho biết chuyển cho Quốc hội báo cáo mật được chờ đợi từ lâu liên quan đến việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Theo đó, Nhà Trắng khẳng định, chính quyền của Tổng thống Biden đã làm tất cả những gì có thể, đồng thời đổ lỗi cho thỏa thuận đạt được trước đó giữa chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và Taliban vì đã đặt chính phủ kế nhiệm của ông Biden vào tình thế bất khả kháng và chỉ rõ rằng không cơ quan tình báo nào dự đoán được sự sụp đổ thảm khốc như vậy của lực lượng chính phủ Afghanistan.

Trong khi đó, ông Trump chỉ trích Nhà Trắng đang “chơi trò đổ lỗi” khi công bố báo cáo chính quyền ông chịu trách nhiệm về cuộc rút quân. Diễn biến này càng cho thấy, việc giải mật về cuộc rút quân thần tốc của Mỹ ở Afghanistan không chỉ đơn thuần tìm ra những bài học chiến lược và đánh giá những thất bại thảm hại của cuộc chiến tại Afghanistan mà còn phản ánh sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trên chính trường nước này trước thềm cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 tới đây.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.