Trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 18 đến 19-6, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nỗ lực thực hiện trọng trách không hề dễ dàng đó là quản lý khủng hoảng một cách có trách nhiệm, góp phần nỗ lực đưa quan hệ song phương về quỹ đạo ổn định. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ tới Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi đầu năm 2021 và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ kể từ năm 2018.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (bên phải) hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại Bắc Kinh ngày 18-6. Ảnh: AP |
Chuyến công du được dư luận theo dõi sát vì căng thẳng thời gian qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tác động tới nhiều khía cạnh của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Tần Cương ngày 18-6, ông Blinken có cuộc hội đàm với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và có thể với cả Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19-6, để xúc tiến các kênh liên lạc mở và bền vững, bảo đảm cạnh tranh chiến lược giữa hai nước không rơi vào vòng xoáy xung đột.
Ba mục tiêu rõ ràng
AP dẫn lời Ngoại trưởng Blinken cho biết, chuyến đi có ba mục tiêu: “Thứ nhất, thiết lập các mối liên lạc cởi mở để hai nước có thể quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm và tránh những tính toán sai lầm, đặc biệt bảo đảm liên lạc trực tiếp giữa quân đội với quân đội giữa Washington và Bắc Kinh. Thứ hai, thúc đẩy các lợi ích và giá trị của Mỹ cũng như lợi ích và giá trị mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh và đối tác toàn cầu, gồm đề cập trực tiếp và thẳng thắn mối quan tâm rất thực tế của Mỹ về một loạt vấn đề. Thứ ba, khám phá tiềm năng hợp tác về những thách thức xuyên quốc gia, ổn định kinh tế toàn cầu... Cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi ngoại giao bền vững để bảo đảm cạnh tranh không dẫn đến đối đầu hoặc xung đột. Đó là điều mà thế giới mong đợi ở cả Mỹ và Trung Quốc”.
Ngày 18-6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hội đàm với người đồng cấp Mỹ Blinken tại Bắc Kinh. “Hy vọng cuộc gặp này có thể giúp đưa quan hệ Trung Quốc - Mỹ trở lại đúng hướng như những gì mà lãnh đạo hàng đầu hai nước nhất trí bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) cuối năm 2022”, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết trên Twitter. “Trong chuyến đi, ông Blinken dự kiến thiết lập lộ trình và thời gian biểu với phía Trung Quốc về các cuộc trao đổi song phương cấp cao trong thời gian tới”, The Paper dẫn lời ông Wu Xinbo, trưởng bộ phận nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, cho biết. Trong khi đó, theo Reuters, ông Blinken cũng sẽ thảo luận việc tăng cường các chuyến bay thương mại giữa hai nước và ngăn chặn dòng tiền chất fentanyl từ Trung Quốc...
Hướng đến “tan băng” quan hệ
Dù không đặt nhiều kỳ vọng về đột phá trong cuộc gặp giữa ông Blinken và quan chức Trung Quốc nhưng giới quan sát tin rằng chuyến thăm có thể giảm căng thẳng ở một mức độ nào đó và tạo điều kiện phát triển các tuyến hợp tác trong tương lai. Chuyến công du này sẽ mở đường cho các cuộc gặp song phương khác, gồm cả khả năng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo thăm Trung Quốc.
Bản thân việc cụ thể hóa chuyến đi Bắc Kinh của ông Blinken đã là sự thành công khi đánh dấu sự tiến triển trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh. Nhiều khả năng, điều này có thể tạo tiền đề cho cuộc gặp đáng mong đợi giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại các hội nghị thượng đỉnh đa phương vào cuối năm, trong đó có hội nghị cấp cao APEC 2023 tại Mỹ tháng 11-2023. Trước đó, ngày 17-6, Tổng thống Biden cũng cho biết: “Trong vài tháng tới, tôi hy vọng gặp lại ông Tập Cận Bình và bàn thảo những khác biệt chính đáng cũng như những khía cạnh chúng ta có thể hòa hợp”.
Đáng chý ý, chuyến thăm của ông Blinken là sự tiếp nối các lần tới Bắc Kinh trước đó của đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai vào cuối tháng 5-2023, và một loạt lãnh đạo công nghệ hàng đầu Mỹ vào nửa đầu tháng 6-2023. Hiện tượng này cho thấy lập trường mới của Chính phủ Mỹ về quan điểm không theo đuổi sự phân tách, mà chỉ tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa quan hệ với Trung Quốc. Euronews dẫn lời ông Kurt Campbell, chuyên gia hàng đầu về châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi ngoại giao quyết liệt nếu hai bên muốn kiểm soát căng thẳng. Đây là cách duy nhất để xóa bỏ hiểu lầm, phát đi tín hiệu tích cực, khôi phục liên lạc và hợp tác cùng nhau.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết: “Chuyến đi của Blinken là cần thiết nhưng chưa đủ. Có những khác biệt cơ bản về triển vọng, giá trị. Cần phải có thời gian để xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau và lòng tin chiến lược.” The New York Times nhận định, sở dĩ Trung Quốc chấp thuận chuyến thăm lần này của ông Blinken bởi nước này mong muốn cải thiện quan hệ song phương ở một mức độ nào đó để giúp phục hồi kinh tế và những thách thức thương mại khác.
THƯ LÊ