Ngày 26-6, Reuters dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, nguồn cung và nhu cầu đối với chất cấm cocaine đang bùng nổ trên thế giới, và nạn buôn bán ma túy đá (methamphetamine) đang vượt ra khỏi các thị trường cũ.
Hiện, có 3 trung tâm chuyên sản xuất, cung cấp các loại ma túy lớn nhất thế giới gồm các khu vực Trăng lưỡi liềm vàng, Nam Mỹ và Tam Giác vàng. Riêng tại khu vực Trăng lưỡi liềm vàng, Afghanistan, nước có vị trí chiến lược quan trọng, nơi giao thoa giữa Nam Á - Trung Á, vẫn là nơi sản xuất ma túy lớn nhất thế giới (chiếm tới 80% nguồn cung thế giới).
Cuộc chiến phòng, chống ma túy do Cơ quan phòng, chống ma túy của LHQ (UNODC) dẫn dắt, cùng với hàng trăm quốc gia trên thế giới, bắt giữ hàng vạn vụ buôn bán các chất ma túy, thu giữ hàng ngàn tấn ma túy các loại mỗi năm. Thủ đoạn của các tổ chức tội phạm buôn bán ma túy ngày càng tinh vi, phức tạp, sử dung nhiều loại phương tiện khác nhau, kể cả đường hàng không, đường bộ, đường biển; thậm chí đường hầm, tàu ngầm để vận chuyển.
Tại Tam giác vàng, châu Á trở thành địa bàn sản xuất ma túy và cũng là thị trường lớn nhất tiêu thụ các loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần (NPS). Riêng tại Đông Nam Á, với “điểm nóng” về ma túy là vùng Tam giác vàng, vẫn là trung tâm tiếp tục sản xuất và tiêu thụ ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới với sản lượng tăng 30%, lượng heroine và morphine thu giữ tăng gần 90%. Lào trở thành điểm trung chuyển chính cho buôn bán ma túy vào Thái Lan và các khu vực khác của sông Mekong và châu Á- Thái Bình Dương. Trong khi đó, Malaysia là nơi mà các đối tượng lợi dụng để vận chuyển ma túy sang Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Úc và New Zealand.
Đi cùng với sự gia tăng các vụ buôn bán ma túy thì số người sử dụng cũng tăng theo. Tính đến cuối năm 2021, hơn 296 triệu người sử dụng ma túy toàn cầu, tăng 23% so với thập niên trước. Hằng năm, khoảng 200.000 người chết vì ma túy.
Nguyên nhân dẫn đến xu hướng dịch chuyển sang sản xuất ma túy tổng hợp quy mô lớn là do chính phủ một số nước tăng cường biện pháp ngăn chặn nên có sự sụt giảm mạnh diện tích trồng cây thuốc phiện ở những nước như Afghanistan, Colombia…, vốn là một trong những nơi sản xuất các chất ma túy và được buôn bán, sử dụng nhiều nhất. Đồng thời, việc sản xuất ma túy tổng hợp rất dễ dàng triển khai trên quy mô lớn bằng công nghệ tiên tiến, cho ra khối lượng khổng lồ nhanh chóng với giá rẻ để cung cấp cho đường dây tiêu thụ. Đặc biệt, “fentanyl”, loại thuốc tổng hợp gây nghiện, mạnh hơn heroin từ 30-50 lần (được sử dụng hết sức hạn chế trong hoạt động điều trị y tế với công dụng gây mê, giảm đau) đang làm “biến dạng” thị trường buôn bán vốn giao dịch chất opioid (cũng là một loại thuốc tổng hợp gây nghiện có công dụng tương tự fentanyl nhưng tác dụng nhẹ hơn) ở Bắc Mỹ và một số khu vực khác.
Sở dĩ tình hình sản xuất, buôn bán ma túy vẫn diễn biến phức tạp, khó lường là do chính sách, pháp luật về kiểm soát ma túy cũng như năng lực phòng, chống ma túy của các lực lượng chức năng ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực còn có sự khác biệt rất lớn. Chính vì thế, nó dẫn đến tình trạng lượng cung, cầu và sự chênh lệch giá ma túy rất lớn, kích thích hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia của các tổ chức tội phạm ngày càng gia tăng, gây hiểm họa khó lường về sức khỏe con người cũng như an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Giám đốc điều hành của UNODC Ghada Waly cảnh báo: “Cần phải đẩy mạnh biện pháp đấu tranh với các đường dây buôn bán ma túy đang lợi dụng những cuộc xung đột và khủng hoảng toàn cầu để mở rộng hoạt động trồng và sản xuất trái phép ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp gây hiểm họa cho con người”.
TUYẾT MINH