Hòa bình và kinh tế phát triển ở Trung Đông

.

Trong bối cảnh thế giới biến động khó lường khi xuất hiện mầm mống của sự thay đổi về cấu trúc địa chính trị và vai trò của các siêu cường, khu vực Trung Đông có những chuyển động tích cực thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Trước hết, chiến tranh và xung đột sắc tộc, tôn giáo đang có xu hướng giảm mạnh, thay vào đó là thúc đẩy hòa giải, khởi động tiến trình hòa bình, làm giảm các nguy cơ xung đột. Vài năm trở lại đây, tình hình Iraq được giải quyết và quốc gia này nổi lên thành nhân tố tích cực thúc đẩy tiến trình hòa giải ở các nước khác trong khu vực. Đặc biệt, hai quốc gia có tiếng nói quan trọng tại khu vực là Saudi Arabia và Iran đang thúc đẩy nhanh chóng quá trình bình thường hóa sau 7 năm, tạo cơ sở vững chắc để giải quyết hàng loạt vấn đề nóng ở “chảo lửa” Trung Đông, trong đó có xung đột dai dẳng Palestine-Israel…

Với những diễn biến tích cực này, các quốc gia ở Trung Đông đang đứng trước cơ hội tăng cường hợp tác để đạt sự phát triển, ổn định và an ninh. Đây cũng là nhân tố giúp Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) hay Liên đoàn Arab (AL) củng cố đoàn kết và có tiếng nói mạnh mẽ hơn ở trong và ngoài khu vực.

Về hợp tác kinh tế, các nhà lãnh đạo của AL hay GCC hoạch định hướng đi tích cực để kiến tạo nền hòa bình bền vững và thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện. Trong thế giới đương đại, khi phát hiện ra nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng, đó là dầu lửa, thì nhiều quốc gia như Saudi Arabia, Qatar và Oman trở nên giàu có. Nếu không lâm vào xung đột kéo dài thì cả Syria, Yemen cũng thịnh vượng do có nguồn dầu mỏ rất lớn. Do có nguồn năng lượng quý giá đó, trong thời gian dài, khu vực này bị các cường quốc tác động, chi phối rất lớn, thậm chí liên tục rơi vào xung đột nên chưa thể tạo ra chỗ đứng xứng tầm về kinh tế trong khu vực và thế giới. Đây là vấn đề mà các nước trong AL hay GCC đang tìm cách tháo gỡ để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế bằng cách thiết lập sự ổn định chính trị, gia tăng sự hợp tác kinh tế toàn diện, công bằng, cùng có lợi giữa các nước trong và ngoài khu vực.

Kinh tế khu vực Trung Đông thời gian qua có rất nhiều biến động do ảnh hưởng của các cuộc xung đột, đặc biệt là phong trào Mùa xuân Arab bắt nguồn từ các nước Bắc Phi - Trung Đông năm 2011. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào chiến tranh Syria… đã tác động tiêu cực lên kinh tế khu vực. Sự đi xuống của các nền kinh tế Kuwait, Qatar và cả những nền kinh tế lớn như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo tăng trưởng kinh tế cả khu vực xuống mức thấp. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, do tác động của Covid-19 và cuộc chiến về giá dầu giữa Saudi Arabia với Nga và Mỹ càng đẩy các nền kinh tế tại khu vực Trung Đông rơi vào một “cuộc khủng hoảng kép” trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, AL hay GCC đã có những đột phá trong ngoại giao đáng quan tâm. Trong đó, Iraq đảm nhận vai trò trung gian hòa giải nhằm giảm bớt căng thẳng trong khu vực và thu hút sự ủng hộ từ các quốc gia láng giềng. The National News ngày 16-6 dẫn lời Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani cho biết nước này sẽ đăng cai tổ chức hội nghị để thúc đẩy ý tưởng về nhóm các nền kinh tế khu vực vào cuối năm 2023. Theo ông Al-Sudani, Iraq đang thúc đẩy ý tưởng tạo khối kinh tế thành công giữa các quốc gia Arab và cộng đồng quốc tế. Ông Al-Sudani cho biết: “Iraq sẵn sàng hợp tác với các đối tác khu vực để đạt hòa bình, phát triển và thịnh vượng”.

Rõ ràng, bên cạnh gia tăng sự hợp tác kinh tế giữa các nước trong AL hay GCC với các nước như Trung Quốc, Pháp, Nga…, ý tưởng hình thành nhóm các nền kinh tế khu vực là hướng đi đúng, tích cực để khai thác lợi thế vốn có nhằm biến thành khu vực kinh tế thịnh vượng trên cơ sở hòa bình và an ninh ổn định.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.