Mỹ trở lại UNESCO sau hơn 5 năm

.

Mỹ đang nhanh chóng thực hiện các bước đi cần thiết để tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) sau hơn 5 năm vắng bóng. Đây là một trong những mục tiêu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong đó củng cố vị thế cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc.

Trụ sở của UNESCO tại Paris (Pháp). Ảnh: AP
Trụ sở của UNESCO tại Paris (Pháp). Ảnh: AP

Theo Axios, Mỹ vừa gửi thư cho UNESCO để thông báo tái gia nhập cơ quan này sau khi rút lui từ thời Tổng thống Donald Trump. Tại cuộc họp bất thường của UNESCO tại Paris (Pháp) ngày 12-6, đại sứ của các nước thành viên vui mừng chào đón thông báo của Mỹ, nước từng là nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức này. Tuy nhiên, Mỹ dự kiến phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu của toàn bộ 193 quốc gia thành viên vào tháng 7-2023 về tư cách thành viên. Mỹ sắp tới còn có thể vận động hành lang để trở thành thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO. Thậm chí, các nước phương Tây hứa hẹn dành cho Mỹ một suất trong hội đồng này. “Quyết định trở lại của Mỹ là kết quả 5 năm làm việc nghiêm túc. Chúng tôi đã làm dịu căng thẳng, đặc biệt là ở Trung Đông, nâng cao năng lực phản ứng trước những thách thức đương thời, nối lại các sáng kiến lớn trên thực địa và hiện đại hóa hoạt động của tổ chức”, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nói.

Trước khi rút lui, Mỹ là nước đóng góp nhiều kinh phí hoạt động của UNESCO, chiếm khoảng 1/5 tổng kinh phí hằng năm. Do đó, sự vắng mặt của Mỹ lâu nay khiến UNESCO rơi vào tình trạng bất ổn về tài chính, buộc tổ chức này không còn cách nào khác phải “thắt lưng buộc bụng” trong các chương trình và xoay xở vận động các nguồn tài trợ tự nguyện từ các quốc gia khác để lấp đầy khoảng trống mà Washington bỏ lại. UNESCO hy vọng sự trở lại của Mỹ sẽ giúp tổ chức này xúc tiến nhiều kế hoạch tham vọng hơn, đồng thời tiếp thêm năng lượng cho các chương trình quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), giáo dục, nhân đạo...

Kế hoạch trên không nằm ngoài dự đoán bởi ngay từ ngày đầu nhậm chức Tổng thống Biden tuyên bố ý định tái gia nhập UNESCO. Năm 2022, giới lập pháp Mỹ thông qua dự luật phân bổ hơn 500 triệu USD cần thiết để trả các khoản nợ cho UNESCO, điều kiện tiên quyết giúp Washington quay lại tổ chức này. Đầu năm 2023, nước này dành 150 triệu USD trong kế hoạch ngân sách hiện tại để trả lại cho UNESCO.

Theo giới quan sát, quyết định quay trở lại UNESCO được thúc đẩy trong bối cảnh lo ngại Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại trong hoạch định chính sách của UNESCO, đặc biệt là trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho giáo dục công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu. Thời gian qua, Trung Quốc đầu tư khoản tiền lớn vào các tổ chức của LHQ và hiện là nhà tài trợ chính của UNESCO với mức đóng góp tới 65 triệu USD trong tổng ngân sách 500 triệu USD.

“Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc về cuộc cạnh tranh trong thời đại kỹ thuật số với các cường quốc khác, với tầm nhìn lợi ích rõ ràng, chúng ta không thể vắng mặt lâu hơn nữa tại một trong những diễn đàn quan trọng như UNESCO, nơi thiết lập các tiêu chuẩn giáo dục cho khoa học và công nghệ”, Thứ trưởng Ngoại giao John Bass nói. Quan chức này cho hay, sự vắng mặt đáng tiếc của Mỹ ở UNESCO cũng vô hình trung làm giảm khả năng của nước này trong thúc đẩy hiệu quả tầm nhìn về thế giới tự do.

Đây cũng là bước đi cụ thể hóa chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế vốn là ưu tiên trong chính sách kinh tế Bidenomics của Tổng thống Biden. Trước đó, Mỹ đã trở lại một số tổ chức mà nước này rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong đó nổi bật là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Hội đồng Nhân quyền LHQ .

Quan hệ lận đận
Quan hệ UNESCO-Mỹ trải qua nhiều thăng trầm trong 4 thập niên. Mỹ rời UNESCO năm 1983 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan nhưng cựu Tổng thống George W. Bush đưa nước này tái gia nhập vào năm 2002. Năm 2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi UNESCO và hoàn tất tiến trình rút lui vào năm 2019.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.