Những thương vụ béo bở nâng tầm quan hệ Mỹ - Ấn Độ

.

Chuyến thăm Mỹ từ ngày 21 đến 23-6 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được coi là bước ngoặt hay bàn đạp chiến lược nâng tầm quan hệ song phương. Sự hiện diện của ông Modi tại xứ cờ hoa lần đầu trong 9 năm tại vị đến đúng thời điểm quan hệ Washington - New Delhi mạnh mẽ và sâu sắc hơn bao giờ hết, đặc biệt sự tin tưởng chưa từng thấy giữa lãnh đạo hai nước, hứa hẹn những “trái ngọt” sắp tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải ngoài cùng) và Đệ nhất phu nhân Jill Biden đón tiếp Thủ tướng Narendra Modi (giữa) tại Nhà Trắng ngày 22-6. Ảnh: ANI
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải ngoài cùng) và Đệ nhất phu nhân Jill Biden đón tiếp Thủ tướng Narendra Modi (giữa) tại Nhà Trắng ngày 22-6. Ảnh: ANI

Chuyến công du của ông Modi không chỉ truyền nguồn năng lượng tích cực vào quan hệ song phương mà phần nào còn tác động trật tự toàn cầu hiện nay. Lâu nay, quan hệ Mỹ - Ấn Độ bị đánh giá “thiếu lửa”, chưa tương xứng với tầm vóc của hai nền kinh tế lớn, thậm chí trải qua nhiều thăng trầm. Hơn nữa, Thủ tướng Modi từng bị cấm nhập cảnh Mỹ trong gần một thập niên. Giờ đây, “gió đổi chiều” khi nhà lãnh đạo Ấn Độ được chào đón nồng nhiệt tại Mỹ.

Khi Mỹ mời “miếng mồi ngon”

Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Joe Biden vui mừng khi đón tiếp Thủ tướng Modi và ca ngợi vị khách đặc biệt này là “nhân vật của thời khắc vàng”. Về ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan tiết lộ: “Một số kết quả chuyến thăm của ông Modi không chỉ là những gạch đầu dòng trên giấy. Về cơ bản, các rào cản trong thương mại quốc phòng, công nghệ cao, trong đầu tư vào mỗi quốc gia sẽ được dỡ bỏ”. Tuyên bố có thể ngầm hiểu New Delhi có thể tiếp cận công nghệ quan trọng mà Washington hiếm khi chia sẻ với các nước không phải đồng minh. Mỹ và Ấn Độ đang tìm cách thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở Ấn Độ trong nỗ lực ngăn Trung Quốc có được chip tiên tiến và công nghệ khác.

Bên cạnh đó, hai nước dự kiến ký nhiều thương vụ quan trọng có giá trị lên đến hàng tỷ USD về sản xuất máy bay không người lái, động cơ phản lực và chip. Nhiều “miếng mồi” được Washington đưa ra. Trong đó, hấp dẫn nhất có lẽ là các thỏa thuận trong lĩnh vực quân sự, gồm việc Mỹ cung cấp cho Ấn Độ động cơ F414 để lắp cho loại máy bay quân sự hạng nhẹ Tejas Mk2 của Ấn Độ, hợp đồng Mỹ bán máy bay không người lái vũ trang MQ-9B SeaGuardian cho Ấn Độ và hiệp ước quốc phòng mới cho phép các tàu Hải quân Mỹ tiến hành sửa chữa tại các xưởng đóng tàu của Ấn Độ. Đáng chú ý, ông Modi sẽ có bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, niềm vinh dự thường dành cho các đồng minh gần gũi của Washington, và dự quốc yến do Tổng thống Biden chủ trì.

Bàn đạp cho tham vọng công nghệ của Ấn Độ

Trong lúc ảnh hưởng địa chính trị của Ấn Độ cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014, ông Modi tranh thủ thời điểm vàng trong chuyến thăm để quảng bá môi trường đầu tư tiềm năng của Ấn Độ để thu hút thêm doanh nghiệp lớn của Mỹ, đặc biệt giúp New Delhi hiện thực hóa tham vọng công nghệ. Giờ đây, giấc mơ Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất chip có vẻ đáng tin cậy hơn nhiều, sau khi giá trị nhập khẩu chip của Mỹ từ quốc gia Nam Á này tăng hơn 38 lần trong quý 1-2023. Apple Inc. (Mỹ) tăng gấp ba lần sản lượng iPhone ở Ấn Độ trong năm tài khóa vừa qua khi tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Theo AP, cam kết của các tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ về “rót” khoản đầu tư lớn vào thị trường tỷ dân Ấn Độ khiến chuyến thăm của ông Modi có những chuyển biến sôi động, tích cực. Tập đoàn Micron Technology Inc. công bố đầu tư hơn 800 triệu USD vào cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn trị giá 2,75 tỷ USD ở Ấn Độ, trong khi Applied Materials Inc. sẽ xây dựng trung tâm bán dẫn mới để thúc đẩy thương mại hóa và đổi mới. Tương tự, nhà sản xuất chip Lam Research hoạch định chương trình đào tạo ở quốc gia Nam Á cho 60.000 kỹ sư.

Đối với Mỹ, không có đối tác châu Á nào quan trọng hơn Ấn Độ trong chiến lược chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì thế, Mỹ luôn tìm cách xích lại gần Ấn Độ trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, đồng thời phần nào tách dần nước Nam Á khỏi quan hệ với Nga. Nâng tầm quan hệ Mỹ-Ấn Độ cũng là tín hiệu vui đối với cộng đồng 5 triệu người Ấn Độ ở Mỹ, một trong những nhóm nhập cư lớn nhất và lực lượng cử tri phát triển nhanh nhất ở xứ cờ hoa. Ngoài ra, Ấn Độ cũng là thành viên của các nhóm QUAD và nhóm I2U2 cùng với Mỹ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, khó có khả năng Ấn Độ xa rời truyền thống vốn có và sẽ duy trì lập trường không liên kết hoặc “sự tự trị chiến lược”.

Elon Musk muốn đầu tư lớn vào Ấn Độ
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Modi gặp gỡ CEO các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ, trong đó có tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, ông chủ hãng xe điện Tesla Inc., doanh nhân Mỹ dự định thăm Ấn Độ năm tới. Ông Musk nhận định: “Tôi vô cùng hào hứng về tương lai của Ấn Độ. Tôi nghĩ Ấn Độ có nhiều tiềm năng đầu tư hơn bất kỳ quốc gia lớn nào trên thế giới về năng lượng bền vững, trong đó có năng lượng mặt trời, pin và xe điện”. Ông Musk hy vọng mang dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX đến Ấn Độ; đồng thời sẽ gửi kế hoạch xây cơ sở sản xuất ở quốc gia Nam Á.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.