Thái độ đáng lo của người tiêu dùng EU với hàng giả

.

ĐNO - Lượng hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) hàng năm từ khắp nơi trên thế giới rất đa dạng và lên đến hàng ngàn tỷ USD. Là thị trường rất khó tính và nghiêm ngặt trong kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc nhưng lượng hàng giả xâm nhập vào thị trường này vẫn chiếm thị phần không hề nhỏ.

EU cho rằng blockchain có thể giúp nhân viên hải quan phát hiện hàng giả (Kevork Djansezian/Getty Images)
EU cho rằng, công nghệ blockchain có thể giúp nhân viên hải quan phát hiện hàng giả. Ảnh: Getty Images

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (EESC) cho rằng, nạn hàng giả rất nguy hiểm đối với người tiêu dùng ở châu lục này. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 700.000 người thiệt mạng mỗi năm toàn thế giới do sử dụng thuốc giả và EU cũng không nằm ngoài tình trạng đó.

Theo tính toán của Cơ quan sở hữu trí tuệ châu Âu, mỗi năm, số lượng hàng giả nhập khẩu vào EU lên đến hàng 100 tỷ USD, trong đó phải kể đến các điểm đến như Pháp, Đức, Ý… Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) từng đánh giá, hàng giả tràn lan đã “cướp” đi của các quốc gia châu Âu khoảng 800.000 việc làm cùng số tiền các loại thuế khoảng 14,3 tỷ USD mỗi năm.

Đáng chú ý, ở cấp quốc gia, tỷ lệ người tiêu dùng cố tình mua hàng giả dao động từ 24% ở Bulgaria đến 8% ở Phần Lan. Ngoài Bulgaria, việc cố ý mua hàng giả cao hơn mức trung bình của EU được ghi nhận ở Tây Ban Nha (20%), Ireland (19%), Luxembourg (19%) và Romania (18%).

Theo nghiên cứu mới đây về nhận thức của công dân do Văn phòng Sở hữu trí tuệ EU (EUIPO) công bố, người châu Âu nhận thức rõ tệ nạn làm giả các loại sản phẩm. Vì vậy, 80% trong số đó biết rằng hàng giả là công việc kinh doanh của các tổ chức tội phạm và gây hại cho doanh nghiệp và việc làm của người lao động. Tương tự, 83% cho rằng, hàng giả khuyến khích và hỗ trợ hành vi phi đạo đức và 70% coi đó là mối đe dọa đối với sức khỏe, an ninh, an toàn và môi trường. Về vi phạm bản quyền, 82% người châu Âu đồng ý rằng việc lấy nội dung kỹ thuật số từ các nguồn bất hợp pháp có nguy cơ dẫn đến các hành vi có hại như lừa đảo hoặc nội dung không phù hợp với trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, vấn đề khá nghiêm trọng khiến các nhà quản lý, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm chính là nhận thức và việc sử dụng hàng giả trong EU, nhất là trong giới trẻ hiện nay đang có sự thay đổi đáng kể. Số liệu khảo sát của EUIPO cho thấy, 31% người vẫn cho rằng việc mua hàng giả là chấp nhận được, chủ yếu là khi giá của sản phẩm gốc quá cao, hoặc khan hiếm, hoặc không đáp ứng nhu cầu thực tế. Thậm chí, có tới 50% những người trẻ từ 15 đến 24 tuổi lại cho rằng không thấy có vấn đề gì khi mua hàng giả.

Rõ ràng, tình trạng hàng giả xâm nhập vào EU đặt ra hàng loạt các thách thức về an ninh, sức khoẻ, gây tổn hại nghiêm trong cho nền kinh tế các nước trong khối, đặc biệt là những thay đổi quan niệm về việc mua, sử dụng hàng giả trong người tiêu dùng nhất là giới trẻ sẽ có ảnh hưởng lâu dài. Vì thế, chống hàng giả, hàng nhái được các cơ quan chuyên trách của EU xem là nhiệm vụ cấp bách.

EU cần đề ra khuôn khổ pháp lý của châu Âu mới với kế hoạch hành động phối hợp và tài trợ toàn diện. EESC kêu gọi nhanh chóng cải thiện tuyên truyền đến người tiêu dùng châu Âu về nguy cơ do hàng giả gây ra, đồng thời phổ biến phương cách nhận biết hàng giả nhờ vào công nghệ mới. Trong khi đó, cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) liên tục mở các đợt truy quét các tổ chức tội phạm chuyên mua bán hàng giả, tăng cường kiểm tra xử phạt cả người trong và ngoài khu vực EU sử dụng, vận chuyển hàng giả.

Cụ thể, tại Pháp, quy định du khách nước ngoài nhập cảnh mà bị phát hiện sử dụng hoặc mang hàng giả có thể bị phạt với mức phạt tối đa lên tới 300.000 euro (tương đương 7,7 tỷ đồng) hoặc ngồi tù 3 năm nếu đem một số lượng lớn hàng giả nhập cảnh vào nước này. Tại Bỉ, nếu bị cơ quan hải quan phát hiện mang đồ giả du khách có thể bị phạt từ 500 - 100,000 euro (12,1 triệu đồng tới 2,5 tỷ đồng).

Cuộc chiến chống hàng giả thực ra không chỉ ở EU mà đang là mối quan tâm của cả cộng đồng quốc tế. Các tổ chức tội phạm coi việc buôn bán hàng giả là món lợi khổng lồ nên bất chấp tất cả, miễn sao thu được nhiều tiền. Tuy nhiên, suy cho cùng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và nhận thức của người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả vẫn là cái gốc để chiến thắng cuộc chiến này!

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.
Hướng dẫn order 1688 từ A-Z