Do ảnh hưởng thời tiết, sản lượng gạo năm nay của Ấn Độ giảm sút, dẫn tới giá gạo trong nước tăng cao khiến Chính phủ nước này phải thi hành lệnh cấm xuất khẩu với loại gạo trắng non-basmati để ổn định thị trường nội địa. Giới chuyên gia cho rằng, lệnh cấm làm hạ nhiệt giá gạo ở Ấn Độ nhưng sẽ tăng sức ép giá gạo toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia khác lo ngại hiện tượng El Nino ảnh hưởng mùa màng.
Ảnh: Reuters - Đồ họa: MAI ANH |
Thông báo về lệnh cấm được Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ công bố ngày 20-7 nêu rõ: “Chính sách xuất khẩu với gạo trắng không phải gạo basmati (“non-basmati”, gồm loại gạo đã xay xát sơ bộ hoặc toàn bộ bất kể có đánh bóng hoặc tráng men hay không) đã được điều chỉnh từ tự do xuất khẩu sang bị cấm”. Đáng chú ý, lệnh cấm được đưa ra khi nước này chuẩn bị bước vào tổng tuyển cử đầu năm 2024.
Ảnh hưởng thời tiết cực đoan
Theo Bloomberg, lệnh cấm có thể ảnh hưởng tới khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, nước hiện chiếm hơn 40% gạo xuất khẩu toàn cầu và cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan trên thị trường quốc tế. Lý do khiến New Delhi phải cấm xuất khẩu gạo là do trong năm nay xảy ra mưa lớn tại những vùng lúa trọng điểm, gây ảnh hưởng đáng kể sản lượng thu hoạch, theo đó đẩy giá lúa trong nước tăng tới 20% trong 10 ngày qua. Gạo trắng không phải giống basmati là loại gạo xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ và loại gạo này tăng giá 3% chỉ trong một tháng qua. “Để bảo đảm đủ nguồn cung gạo trắng không phải giống basmati tại Ấn Độ và để hạ bớt giá gạo ở thị trường trong nước, Chính phủ Ấn Độ đã điều chỉnh chính sách xuất khẩu”, Bộ lương thực Ấn Độ nêu rõ, trích dẫn mức tăng 11,5% giá bán lẻ gạo trong 12 tháng qua.
Loại gạo chịu tác động của lệnh cấm (gạo tấm trắng không phải giống basmati) chiếm khoảng 10 triệu tấn trong tổng số 22 triệu tấn gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã xuất khẩu năm ngoái. Chính phủ Ấn Độ ngày 20-7 nói rõ, loại gạo đồ (gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô sau đó mới gia công chế biến), chiếm khoảng 7,4 triệu tấn trong tổng lượng gạo xuất khẩu năm 2022 của nước này sẽ không thuộc phạm vi bị ảnh hưởng của lệnh cấm.
Dù lệnh cấm sẽ giúp hạ giá gạo trong nước của Ấn Độ nhưng sẽ đẩy giá gạo thế giới tăng cao vào thời điểm sự trở lại của hiện tượng El Nino cũng đã làm tăng lo ngại về sản lượng hoa màu toàn cầu giảm sút. Không chỉ lúa gạo, các loại ngũ cốc khác cũng tăng giá do căng thẳng leo thăng ở Biển Đen sau sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc Nga-Ukraine vừa qua.
Đòn giáng mạnh thị trường gạo toàn cầu
“Lệnh cấm trên tác động mạnh mẽ thương mại. Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét lại lệnh cấm này ngay khi tình hình đã cải thiện”, ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Ấn Độ bình luận với Bloomberg. Ông Rao thậm chí cho rằng, với động thái này, Ấn Độ sẽ đảo lộn thị trường gạo toàn cầu với tốc độ lớn hơn nhiều so với những rối loạn từng xảy ra khi bùng nổ xung đột Nga - Ukraine hồi cuối tháng 2-2022.
Gạo là lương thực thiết yếu với hơn 3 tỷ người trên toàn cầu, và gần 90% sản lượng gạo sản xuất tại châu Á, khu vực đang đối mặt hiện tượng El Nino. Giá gạo toàn cầu hiện dao động quanh mức cao nhất trong 11 năm qua do tác động của xung đột và thời tiết. Lệnh cấm xuất khẩu đột ngột này cũng sẽ tác động nghiêm trọng bên mua vì họ không thể thay thế lượng hàng nhập từ bất cứ nước nào khác. Trong khi Thái Lan và Việt Nam không có đủ nguồn hàng để bù đắp cho khoảng thiếu hụt từ Ấn Độ, các bên mua ở châu Phi sẽ là những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất từ lệnh cấm này. Trong số các nước mua gạo nhiều nhất của Ấn Độ có Benin, Senegal, Bờ Biển Ngà, Togo, Guinea, Bangladesh và Nepal.
Thực tế, quốc gia đông dân nhất thế giới ở Nam Á đang vật lộn ứng phó với giá cả leo thang của ngũ cốc, trái cây và rau củ. Giá gạo bán lẻ ở thủ đô New Delhi tăng khoảng 15% năm nay trong khi giá trung bình trên toàn quốc tăng hơn 8%. Giá bán cà chua tại nhiều khu vực của Ấn Độ cũng tăng cao gấp hơn 5 lần kể từ đầu năm 2023 do mưa lớn ở nhiều địa phương tàn phá nặng nề mùa vụ và việc vận chuyển bằng xe bị ảnh hưởng.
Hơn 100 nước mua gạo của Ấn Độ Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% tổng thương mại gạo toàn cầu. Kể từ năm ngoái, nước này áp lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với gạo trắng và gạo nâu sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra đẩy giá bột mì và giá ngô tăng cao. Ấn Độ cũng là nước cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia. Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tuần này tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên qua trong bối cảnh nỗi lo về nguồn cung lương thực gia tăng do ảnh hưởng của El Nino cũng như thông tin báo động trước đó của truyền thông về động thái cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. |
TRẦN ĐẮC LUÂN