Nước Pháp trong những ngày qua rung chuyển bởi làn sóng bạo loạn với “mồi lửa” chính là vụ cảnh sát bắn chết thanh niên gốc Phi 17 tuổi vì không tuân thủ Luật giao thông. Giờ đây, câu chuyện đáng buồn này không chỉ của riêng nước Pháp mà còn tạo mối lo ngại về những “cơn sóng ngầm” bất ổn đang lan sang các nước châu Âu khác.
Cảnh sát Thụy Sĩ xử lý người biểu tình quá khích ở thành phố Zurich. Ảnh: Swissinfo |
Bạo loạn lan sang các nước khác
Theo The Telegraph, biểu tình bạo loạn đã vượt khỏi lãnh thổ Pháp và bắt đầu lan sang các nước khác, trong đó có Thụy Sĩ và Bỉ những ngày gần đây. Người dân Thụy Sĩ bắt đầu lo ngại về kịch bản tương tự tại nước này như những gì đã diễn ra tại Pháp khi các nhóm đối tượng thực hiện hành vi phá hoại và cướp bóc tại các cơ sở kinh doanh, siêu thị và cửa hàng.
Do bị kích động trước các cuộc biểu tình bạo lực tại Pháp, đêm 2-7, hơn 100 thanh, thiếu niên đã tập trung tại trung tâm thành phố Lausanne và mục tiêu chính mà các đối tượng quá khích nhắm đến các phá hoại nhiều cơ sở kinh doanh các mặt hàng có giá trị cao. Cảnh sát bắt giữ 7 người, phần lớn trong số đó là trẻ vị thành niên nằm trong độ tuổi từ 15-17. Những người bị bắt giữ đều có nguồn gốc Bồ Đào Nha, Bosnia, Somalia, Gruzia, Serbia. Giới chức Thụy Sĩ chỉ trích những lời kêu gọi tràn lan trên mạng xã hội đã kích động những người trẻ tuổi thực hiện hành vi phá hoại.
Trong khi đó, theo Sputnik, tại Brussels (Bỉ), người biểu tình cũng đụng độ với cảnh sát nhưng ở mức độ ôn hòa hơn. Người biểu tình xuống đường sau khi xuất hiện những lời kêu gọi kích động như ở Pháp trên mạng xã hội. Những kẻ bạo loạn đã hô vang “công lý cho Nahel (tên thiếu niên gốc Phi bị cảnh sát bắn chết ở Pháp)”. Theo truyền thông địa phương, tính đến chiều 3-7, số người biểu tình bị bắt ở Brussels đã tăng lên gần 70 người. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nước tiếp tục bày tỏ sự quan ngại và kêu gọi công dân cân nhắc các chuyến đi không cần thiết tới Pháp trong tình hình phức tạp hiện nay.
Mạnh tay trấn áp bạo loạn
Chính phủ Pháp đang gấp rút triển khai các biện pháp trấn áp các hành vi bạo lực quá khích nhằm xoa dịu bất ổn đang có dấu hiệu leo thang. Theo AP, diễn biến đáng lo nhất trong ngày 2-7 chính là việc đối tượng bạo loạn tại Pháp lái ô-tô đâm vào nhà ông Vincent Jeanbrun, Thị trưởng của vùng ngoại ô phía mam L’Haÿ-les-Roses trước khi phóng hỏa.
Phản ứng trước vụ việc, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đánh giá hành động bạo loạn đã đi quá giới hạn, không thể dung thứ và khẳng định sẽ xử phạt nghiêm minh nhất đối với bất kỳ hình thức bạo lực nào nhắm vào các cơ sở công quyền và nhà riêng của các viên chức Nhà nước và sẽ sớm đưa ra xét xử một số trường hợp mang tính chất án điểm để răn đe.
Theo France Info, tòa án thành phố Grenoble ở đông nam Pháp vừa đưa ra những bản án đầu tiên dành cho các đối tượng tham gia bạo loạn những ngày qua tại nước này. Theo đó, 3 người bị kết án tù từ 3-4 tháng vì tội cướp bóc trong các vụ bạo loạn. Trước tình hình bạo loạn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, một lần nữa tổng cộng 45.000 cảnh sát và hiến binh được triển khai trên toàn quốc để bảo đảm an ninh từ ngày 1 đến 3-7, mức tương tự như các đêm trước đó trong thời điểm số lượng người biểu tình quá khích bị bắt giữ vẫn chưa giảm.
Bên cạnh các biện pháp cứng rắn trấn áp bạo loạn, các thị trưởng Pháp kêu gọi người dân và quan chức được bầu tập trung tại các tòa thị chính trên khắp cả nước vào ngày 3-7 để phản đối biểu tình bạo loạn kéo dài gần một tuần qua. Lời kêu gọi bất thường về việc huy động công chúng giúp lập lại trật tự được đưa ra trong bối cảnh tình trạng bạo loạn và cướp bóc đã kéo dài qua đêm thứ 6 liên tiếp.
Người thân của thanh niên Pháp bị cảnh sát bắn chết cũng kêu gọi ngừng cướp bóc và phá hoại trên diện rộng, đồng thời lên án những kẻ bạo loạn vì đã sử dụng cái chết của cháu trai bà như “cái cớ” để vi phạm pháp luật.
Tìm cách giải quyết vấn đề này hiện trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2017. Nhà lãnh đạo Pháp sẽ gặp những người đứng đầu hai viện của Quốc hội ngày 3-7 và tiếp xúc các lãnh đạo của hơn 220 thị trấn bị ảnh hưởng do tình trạng bạo loạn một ngày sau đó.
Các cuộc thăm dò cho thấy, gần 80% người dân Pháp ủng hộ hành động trấn áp bạo loạn của lực lượng cảnh sát để sớm thiết lập lại trật tự. Nhiều chính trị gia tại Pháp cũng lên tiếng kêu gọi đoàn kết dân tộc, khuyến nghị chính phủ hành động giữ gìn hình ảnh của nước Pháp vốn đang là tâm điểm bất ổn ở châu Âu. Nhiều quốc gia lo ngại, bên cạnh tổn thất về kinh tế lên tới hàng trăm triệu USD, tình trạng bạo loạn chưa hồi kết sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức các sự kiện quốc tế tại Pháp, trong đó có Olympic Paris mùa hè năm 2024.
THƯ LÊ