Đất hiếm: 'Lá bài' tăng cạnh tranh sức mạnh quốc gia

.

Đất hiếm được ví như “vũ khí của thế kỷ”, “vitamin của công nghiệp hiện đại”, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghệ cao. Đáng chú ý, hơn 25% công nghệ mới phải dựa vào nguyên liệu này, trong đó có sản xuất chip. Do đó, việc khai thác, dự trữ và sử dụng đất hiếm là “lá bài” chiến lược mà các nước, nhất là các siêu cường công nghệ, đang tính toán cụ thể.

Mountain Pass, mỏ đất hiếm duy nhất của Mỹ phía đông nam California.  Ảnh: Science News
Mountain Pass, mỏ đất hiếm duy nhất của Mỹ phía đông nam California. Ảnh: Science News

Nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

AP dẫn số liệu mới nhất do Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đầu tháng 7-2023 cho biết, Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu và dự trữ đất hiếm lớn nhất thế giới. Trung Quốc kiểm soát khoảng 95% sản lượng đất hiếm toàn cầu và là “công xưởng” chế biến về lĩnh vực này. Việc duy trì lợi thế đất hiếm nhiều năm liền đưa Trung Quốc trở thành “người cầm chịch” toàn cầu. Nước này tăng hạn ngạch khai thác đất hiếm cả năm trong năm thứ 5 liên tiếp vào năm 2022 lên 210.000 tấn, tăng 25% so với một năm trước đó.

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng, nhất là cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa có hồi kết, Trung Quốc chủ trương hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Nước này chỉ xuất khẩu 20.987 tấn trong 5 tháng đầu năm 2023, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, đầu tháng 7-2023, Trung Quốc thông báo kế hoạch kiểm soát xuất khẩu gali và gecmani từ ngày 1-8 để “bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia”.

Bloomberg dẫn lời chuyên gia Carl Grekou thuộc Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng kinh tế và Thông tin quốc tế của Pháp nhận định: “Lần này Trung Quốc nhắm vào gali và germani nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Nếu như quan hệ Washington - Bắc Kinh không cải thiện, nhiều khả năng Trung Quốc mở rộng danh sách sản phẩm cấm xuất khẩu, bao gồm cả đất hiếm. Hệ quả kèm theo là hàng loạt các mảng công nghiệp liên quan đến những lĩnh vực phức tạp sẽ gặp khó khi mất các nguồn cung”.

Những động thái của Trung Quốc dẫn tới tình trạng nguồn cung ứng bị gián đoạn khiến các khách hàng vốn phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu và đặc biệt là Mỹ bắt đầu “giật mình tỉnh giấc” và đang loay hoay tìm lối thoát. Nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, các nước phương Tây đang tăng cường hỗ trợ thúc đẩy khai thác các khoáng sản quan trọng, gồm cả đất hiếm. Mỹ khuyến khích doanh nghiệp tái khởi động khai thác các mỏ đất hiếm vốn đã bị “đắp chiếu” suốt mấy chục năm nay. Tuy nhiên, để làm được điều đó phải có thời gian và nguồn vốn không phải là ít. Theo Nikkei Asia, Nhật Bản sẽ bắt đầu khai thác đất hiếm gần đảo san hô vòng Minami-Torishima thuộc Thái Bình Dương, cách Tokyo khoảng 1.900km về phía đông nam ở độ sâu tới 6.000m năm 2024.

Lo ngại về tác động đến môi trường

Đất hiếm thực ra không “hiếm” như tên gọi vì chúng có ở nhiều nơi trong lớp vỏ trái đất. Tuy nhiên, quá trình khai thác không đơn giản vì đất hiếm thường phân bổ rải rác và nằm sâu trong lòng đất nên rất cần nguồn đầu tư lớn. Vấn đề khác đặt ra là quá trình phân tách các hợp chất đất hiếm và xử lý các chất phóng xạ tự nhiên có trong đất hiếm đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ nhất định. Bên cạnh đó, yếu tố giá cả, tác động đến môi trường và đặc điểm không thể tái sinh khiến việc khai thác loại vật liệu quý giá này luôn được các quốc gia cân nhắc kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là việc khai thác đất hiếm cũng là con dao hai lưỡi bởi chúng cũng chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Reuters dẫn lời nhà địa lý học Julie Klinger thuộc Đại học Delaware (Mỹ) cho biết: “Đất hiếm được khai thác bằng cách đào những hố lộ thiên rộng trong lòng đất. Điều này có thể gây ô nhiễm môi trường và phá vỡ hệ sinh thái. Nếu quản lý kém, việc khai thác có thể tạo ra các ao nước thải chứa đầy axit, kim loại nặng hay chất phóng xạ rò rỉ vào hệ thống nước ngầm”. Nhận thức được mối nguy hiểm của việc khai thác đất hiếm, nhiều quốc gia đã xây dựng chính sách để khai thác “xanh”. Mỹ đang thử nghiệm giải pháp thay thế cho việc khai thác như tái chế đất hiếm từ các thiết bị điện tử cũ, phục hồi đất hiếm từ chất thải than đá… Trong khi đó, nhà sản xuất xe điện Tesla (TSLA.O) đang loại bỏ đất hiếm trong các mẫu xe tương lai để giảm thiểu rủi ro về môi trường và nguồn cung khi ngành công nghiệp đất hiếm gặp khó khăn trong đáp ứng nhu cầu.

Có thể thấy, bên cạnh quan ngại về môi trường, việc tiếp cận, khai thác, cung ứng và sử dụng đất hiếm đang có những tác động đáng kể tới thực tế địa chính trị diễn biến phức tạp và càng đặt ra những đòi hỏi về chiến lược của hầu hết các quốc gia, nhất là các nước có nền công nghệ phát triển.

Đất hiếm là nhóm hợp chất gồm 17 nguyên tố hóa học được sử dụng trong các sản phẩm từ tia laser và thiết bị quân sự đến nam châm, xe điện, tua-bin gió và thiết bị điện tử tiêu dùng như iPhone. Loại đất hiếm đầu tiên được phát hiện vào năm 1787 là gadolini tại một khu mỏ ở làng Ytterby (Thụy Điển). Tuy nhiên, phải đến những năm 1950, các loại đất hiếm bắt đầu được khai thác quy mô lớn ở một số nước, đặc biệt là ở Mỹ và sau đó là Trung Quốc.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.