Vấn đề về Hồi giáo nói riêng và chính sách nhập cư nói chung mà lâu nay thường hay xảy ra giữa các nước châu Âu với cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới là các vụ việc như “báng bổ đấng tiên tri Muhammad” và đốt kinh Koran vốn được xem là sự thiêng liêng của các tín đồ Hồi giáo.
Đầu năm 2006, một loạt tờ báo của các nước châu Âu, gồm: Na Uy, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan đăng bức biếm họa về đấng tiên tri Muhammad, dẫn đến làn sóng phản kháng mạnh mẽ đầu tiên tại Pakistan rồi sau đó lan sang Indonesia, quốc gia đông dân Hồi giáo nhất thế giới, và cả cộng đồng người Hồi giáo toàn cầu. Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự phản kháng là vụ các tay súng Hồi giáo cực đoan nổ súng tấn công tòa soạn tờ tạp chí châm biếm Charlie Hebdo (Pháp) tháng 1-2015, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có cả những họa sĩ nổi tiếng nhất của nước này. Từ đó đến nay, không ít lần xảy ra cảnh biểu tình hay đốt kinh Koran của một số người trước đền thờ Hồi giáo ở các nước châu Âu, gây ra sự phản kháng mạnh mẽ.
Diễn biến mới nhất, ngày 28-6, Salwan Momika, một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển đốt bản sao kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở Stockholm, đúng ngày đầu tiên diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. Sự kiện này không chỉ khiến con đường trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển sẽ gặp trắc trở do sự ngăn chặn của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn dấy lên sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế, nhất là trong thế giới Hồi giáo.
Hàng loạt các nước như Iraq, Iran, Maroc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Jordan, Saudi Arabia, Kuwait…đã triệu Đại sứ Thụy Điển tại các nước này để phản đối vụ đốt kinh Koran hoặc dừng cử Đại sứ đến Stockholm. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 nước thành viên cũng họp bất thường tại trụ sở ở thành phố Jeddah (Saudi Arabia) nhằm phản ứng vụ đốt kinh Koran. OIC hối thúc các nước thành viên áp dụng biện pháp chung và thống nhất để ngăn vụ “xúc phạm” kinh Koran tái diễn.
Tổng Thư ký OIC Hissein Brahim Taha nhấn mạnh: cần gửi đi thông điệp rõ ràng rằng hành vi xúc phạm kinh Koran không chỉ là những vụ bài Hồi giáo thông thường, đồng thời cần liên tục nhắc nhở cộng đồng quốc tế áp dụng luật pháp quốc tế, trong đó nghiêm cấm mọi chủ trương gây thù hận tôn giáo. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng lên án vụ đốt bản sao kinh Koran. Người phát ngôn Hội đồng Nhân quyền LHQ Pascal Sim nêu rõ: “Hội đồng sẽ tiến hành cuộc họp khẩn cấp để thảo luận sự gia tăng mạnh mẽ hành động hận thù tôn giáo có tính toán và công khai, thể hiện qua hành vi không tôn trọng kinh Koran của người Hồi giáo tại một số nước”.
Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án hành vi này và kêu gọi tránh làm leo thang tình hình. Nhiều nhà lãnh đạo các nước Hồi giáo nhận định, nếu để sự tự do thông tin vượt quá giới hạn khi liên quan tín ngưỡng tôn giáo, hay dung túng hành động biểu tình dẫn đến đốt kinh Koran là điều không thể chấp nhận đối với tín đồ Hồi giáo. Phó Thủ tướng Iraq Fuad Hussein trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: “Những hành động như vậy sẽ tạo ra vô số mâu thuẫn giữa thế giới Hồi giáo và các xã hội châu Âu, làm gia tăng hiện tượng bài Hồi giáo, hệ tư tưởng cực đoan và khủng bố, gieo mầm hành động thù hận và bạo lực toàn cầu”.
Có thể nói, hành vi hận thù tôn giáo, nhất là đối với Hồi giáo, có tính toán và công khai của một số cá nhân, tổ chức…đã diễn ra thường xuyên ở các nước châu Âu. Họ nhân danh “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, “tự do bày tỏ quan điểm”, đăng tranh biếm họa, biểu tình phản đối hoặc đốt kinh Koran nhằm phản ứng công khai về Hồi giáo trong xã hội được mệnh danh “thế giới tự do” mà không hiểu rằng trong cộng đồng dân cư cũng có rất nhiều tôn giáo, đức tin khác nhau muốn được sống bình đẳng và được pháp luật bảo hộ. Vì thế, những hành động nói trên khoét sâu sự thù hận và làm chia rẽ sâu sắc trong xã hội có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo cùng tồn tại.
TUYẾT MINH