Vấn đề tăng, giảm dân số luôn là bài toán hóc búa của nhiều quốc gia. Nếu như vài thập niên cuối của thế kỷ 20, việc tăng dân số là nỗi lo thì nay tình trạng suy thoái dân số đang trở thành gánh nặng của nhiều nước châu Á, trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản là ví dụ điển hình.
Theo Yonhap, phụ nữ Hàn Quốc hiện chỉ sinh trung bình 0,81 con trong suốt cuộc đời. Đây là tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và là kỷ lục mới kể từ khi nước này bắt đầu tổng hợp dữ liệu năm 1970. Trong khi đó, để dân số duy trì quy mô hiện tại là 51 triệu người, cần có tỷ lệ sinh 2,1. Trong số các nền kinh tế có GDP bình quân đầu người ít nhất là 30.000 USD, Hàn Quốc là nước có tốc độ dân số già hóa nhanh nhất và có thể trở thành xã hội lão hóa năm 2025, với hơn 20% tổng dân số 65 tuổi trở lên. Đến năm 2100, dân số nước này sẽ giảm 53%, xuống còn 24 triệu người.
Nước láng giềng Nhật Bản cũng chứng kiến tỷ lệ sinh liên tục giảm suốt hàng chục năm nay. Năm 2022, số trẻ em sinh ra xuống mức thấp kỷ lục trong 7 năm liên tiếp và lần đầu xuống mức dưới 800.000 trẻ. Nếu số ca sinh tiếp tục giảm, dân số vào thập niên 2030 sẽ giảm gấp đôi so với hiện tại. Tỷ lệ sinh giảm khiến dân số nước này già hóa nhanh chóng. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái dân số nhanh chóng ở Hàn Quốc và Nhật Bản?
Trong xã hội có kinh tế phát triển mạnh mẽ, đi cùng với nguồn thu nhập bình quân trên đầu người rất cao, các dịch vụ chất lượng giúp mọi mặt đời sống con người nâng cao là nhân tố gia tăng tuổi thọ nhưng mặt trái của nó cũng tạo áp lực không hề nhỏ. Giá cả các loại chi phí vô cùng đắt đỏ đã tác động tâm lý nhiều người, nhất là lớp trẻ khó có thể vượt qua để nghĩ đến cuộc sống vợ chồng nhằm duy trì bản năng nòi giống. Trào lưu “3 không”: không nhà, không tiền tiết kiệm, không sinh con xuất hiện khá phổ biến trong giới trẻ Hàn Quốc và Nhật Bản. Rất nhiều thanh niên cho rằng, không giống như thế hệ trước đây, họ không cảm thấy có nghĩa vụ phải lập gia đình ở riêng, hay dưới hình thức “tam đại đồng đường” để giúp giảm gánh nặng chi tiêu và đỡ đần trong việc nuôi dạy con cháu.
Yếu tố cá nhân, cụ thể là tư duy độc lập cá nhân ngày càng được coi trọng, thể hiện tính dân chủ và không bị chi phối bởi yếu tố luật pháp. Phần lớn người trẻ có độ tuổi từ 18 đến 34 cho biết, họ hy vọng kết hôn vào thời điểm nào đó nhưng dự định sinh ít hơn hai con hoặc không sinh con. Mặt khác, nhiều người trẻ viện dẫn sự bất ổn của thị trường việc làm, giá nhà ở đắt đỏ, nhất là ở đô thị, nơi hầu hết thanh niên sinh sống, nên không nghĩ đến chuyện lập gia đình. Chi phí nuôi dạy một trẻ đến tuổi 18 ở Hàn Quốc cao gấp 7,7 lần so với mức thu nhập bình quân trên đầu người, mức cao nhất toàn cầu. Trong khi đó, thời gian làm việc của người đàn ông chiếm gần hết nên không thể hỗ trợ vợ để nuôi dạy con cái trong xã hội cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Nhiều phụ nữ phàn nàn “nền văn hóa gia trưởng” vẫn còn dai dẳng buộc họ phải dành nhiều thời gian để chăm sóc con cái trong khi áp lực công việc ngày càng cao.
Những yếu tố trên dẫn đến nỗi lo suy thoái dân số một cách trầm trọng. Chính phủ hai nước này đã ban hành chính sách mạnh mẽ, trong đó tập trung hỗ trợ mưu cầu hạnh phúc của các cá nhân, để khuyến khích thế hệ trẻ kết hôn, sinh con và nuôi dạy con theo ý muốn. Hàn Quốc chi 200 tỷ USD khuyến sinh trong khi Nhật Bản cũng chi nhiều hơn cho các gia đình có con nhỏ và cung cấp nhà ở cho hàng trăm nghìn hộ gia đình và sẽ tăng gấp đôi chi tiêu chăm sóc trẻ em đến đầu thập niên 2030…
Không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc, mà cả Trung Quốc trước đây với chính sách “một con”, thì nay phải “tháo ngòi”, thậm chí khuyến khích tăng tỷ lệ sinh nhưng hầu hết giới trẻ vẫn bị tư tưởng “3 không” tác động nên cũng đối mặt nguy cơ suy thoái dân số trầm trọng.
TUYẾT MINH