Châu Âu, rộng hơn là phương Tây, đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm tầm ảnh hưởng toàn cầu vào thời điểm tình hình quốc tế phức tạp và khó đoán, đặc biệt là sự trỗi dậy của các cường quốc mới đang thúc đẩy cạnh tranh quốc tế gay gắt hơn. Cảnh báo này của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc giục Liên minh châu Âu (EU) áp dụng “mô hình đa tốc độ” để thực hiện chính sách cốt lõi trong tương lai, trong đó kết nạp thành viên mới là vấn đề trọng tâm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo nguy cơ phương Tây sụt giảm tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ảnh: Reuters |
Nguy cơ suy giảm tầm ảnh hưởng
AFP dẫn phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước các Đại sứ Pháp tại Paris ngày 28-8 cho biết: “Bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp và làm gia tăng lo ngại về sự suy yếu của phương Tây, đặc biệt là châu Âu. Đây là thực tế rõ ràng nhưng cũng không nên quá bi quan”. Ông Macron cho biết, sự phát triển về nhân khẩu học không có lợi cho châu Âu và nỗ lực tạo ra của cải cũng như thị phần thương mại toàn cầu của châu Âu đã giảm đi. Xu hướng này lộ rõ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và càng tồi tệ hơn bởi cuộc khủng hoảng năng lượng khiến châu Âu gặp bất lợi bởi lẽ lục địa này không phải là nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Rõ ràng, trật tự quốc tế vốn từng trao cho phương Tây vai trò ưu việt thì nay bộc lộ những hoài nghi.
Đáng chú ý, theo nhà lãnh đạo Pháp, cuộc xung đột tại Ukraina là nhân tố quan trọng trong sự chuyển biến đáng lo ngại này khi đã thúc đẩy làn sóng phản đối phương Tây rộng khắp từ châu Á đến châu Phi với lý do chống chủ nghĩa thực dân mới. Do đó, cần tránh kịch bản thế giới chia cắt vì xung đột ở Ukraine vào thời điểm nhiều nước Nam bán cầu, trong đó có các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, chọn cách tiếp cận trung lập, không lên tiếng bình luận về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. “Chúng ta phải tránh tuyên bố rằng đây là chiến sự của châu Âu. Nó không liên quan đến chúng ta”, ông Macron nói. Tuy nhiên, châu Âu và đồng minh vẫn tiếp tục ủng hộ cho Ukraine về ngoại giao, tài chính và quân sự.
Thúc đẩy lộ trình kết nạp thành viên mới
Theo AFP, ngày 28-8, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định, EU sẵn sàng kết nạp các thành viên mới từ Đông Âu và vùng Balkan từ nay đến năm 2030. Đây là mục tiêu tham vọng nhưng thiết yếu, qua đó khẳng định thái độ thực sự nghiêm túc trong ý định mở rộng quy mô. Đồng quan điểm, Tổng thống Macron cho rằng, đã đến lúc châu Âu cần chấp nhận “mô hình đa tốc độ” nếu muốn đạt tiến bộ trong các chính sách cốt lõi tương lai, trong đó nên đón nhận sự gia nhập nhanh chóng của các ứng viên đủ tư cách.
Gói mở rộng của Ủy ban châu Âu dự kiến công bố vào tháng 10-2023 có thể mang lại thông tin hữu ích về hội nhập tiến bộ, giúp các nước ứng viên nắm rõ lợi ích của việc tham gia các tổ chức và chính sách của EU trước khi chính thức trở thành thành viên EU.
Quá trình gia nhập khối liên minh của 6 nước gồm Serbia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina, Bắc Macedonia, vùng lãnh thổ Kosovo và Albania, cùng với vùng lãnh thổ ở Balkan, đang ở những giai đoạn khác nhau. Moldova và Ukraine được trao tư cách ứng cử viên năm 2022, Albania nộp đơn xin gia nhập năm 2009 và được trao tư cách ứng cử viên năm 2014. Trong khi đó, Serbia cũng được trao tư cách ứng cử viên năm 2012. Gruzia đang nỗ lực để trở thành ứng viên. Đến nay, EU vẫn chưa có sự thống nhất chung với mục tiêu hoàn tất kết nạp các nước này dù ý định mở rộng khối nhen nhóm cách đây 18 năm.
Đáng chú ý, kế hoạch mở rộng sẽ nêu rõ lập trường về đề xuất khởi động các cuộc đàm phán gia nhập đối với Ukraine và Moldova. Trong khi đó, hội nghị EU-Tây Balkan tháng 12-2023 được kỳ vọng đánh dấu việc nối lại đàm phán của Bosnia-Herzegovina và Gruzia. Con đường gia nhập của Ukraine trải qua nhiều chông gai khi vẫn chưa có sự ủng hộ của một số nước thành viên. Việc trao cho Ukraine “con đường gia nhập nhanh chóng” sẽ không công bằng đối với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Montenegro, vốn đang mỏi mòn chờ ngày vào EU trong nhiều thập niên. Albania cảnh báo, việc Ukraine được ưu tiên xem xét có thể châm ngòi tranh cãi gay gắt bởi các nước vùng Balkan chờ đợi tư cách thành viên trong thời gian rất dài. Do đó, EU cần tránh mang tiếng “thiên vị” Ukraine vì có thể làm đảo lộn các khu vực khác của lục địa, thậm chí không loại trừ khả năng đẩy họ đến xích lại gần Nga hơn. Hơn nữa, ông Michel lưu ý: “Giải quyết xung đột song phương từ quá khứ là yêu cầu cần thiết để gia nhập EU bởi không có chỗ cho các xung đột trong nội bộ EU”, qua đó ngụ ý chiến sự ở Ukraine cần chấm dứt trước khi nước này muốn vào “mái nhà chung".
Pháp không thay đổi chính sách đối với châu Phi Tổng thống Macron cho biết, châu Phi vẫn nằm trong các ưu tiên của Pháp dù thừa nhận tình hình bất lợi hiện nay khi buộc Pháp phải di dời quân đội khỏi Mali, Burkina Faso và Cộng hòa Trung Phi. Pháp sẽ không rút Đại sứ Pháp khỏi Niger bất chấp sức ép từ chính quyền quân sự nước này và sẽ hướng tới các đối tác mới như Bénin và Kenya để duy trì cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Sahel. Pháp sẽ tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng để sẵn sàng ứng phó những nguy cơ xung đột mới. |
THƯ LÊ