Khủng hoảng chính trị tại Niger lan rộng

.

Căng thẳng gia tăng tại Niger khi nhiều nước tại châu Phi và châu Âu yêu cầu quốc gia tây Phi này phải khôi phục quyền lực cho ông Mohamed Bazoum, tổng thống đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự vào ngày 26-7.

Theo Reuters, ngày 1-8, hơn 250 công dân châu Âu được sơ tán khỏi Niger bằng máy bay do Pháp điều tới. Động thái diễn ra khoảng 1 tuần sau khi cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Niger đe dọa làm bùng nổ xung đột lớn trên toàn khu vực. Đại sứ quán Pháp tại Niger cũng đã bị lực lượng đảo chính quân sự ở Niger tấn công vào ngày 30-7. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, hầu hết trong số 262 người trên máy bay sơ tán là người Pháp. Trước đó, Tây Ban Nha và Italy thông báo đang chuẩn bị các chuyến bay đưa công dân về nước. Đức cũng hối thúc công dân về nước thông qua các chuyến bay sơ tán của Pháp.

Trước ngày diễn ra sơ tán, hai quốc gia láng giềng của Niger là Burkina Faso và Mali tuyên bố ủng hộ chính quyền quân sự mới tại Niger; đồng thời hợp lực bảo vệ chính quyền mới này nếu các nước trong khu vực can thiệp quân sự vào Niger để phục hồi quyền lực cho ông Bazoum. Mali và Burkina Faso là hai quốc gia hiện do các chính quyền quân sự quản lý vốn cũng đã được dựng lên sau những cuộc đảo chính. Đầu tuần này, lãnh đạo hai nước này tuyên bố mọi động thái chống lại Niger sẽ bị họ coi là “lời tuyên chiến” chống lại chính họ. Trước đó, 15 quốc gia trong Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) áp lệnh trừng phạt với chính quyền quân sự mới của Niger và cảnh báo sẽ “dùng tới vũ lực” nếu ônh Bazoum không được khôi phục quyền lực.

Dư luận đặt câu hỏi liệu những căng thẳng giữa Niger và các nước trong khu vực sẽ leo thang đến đâu nữa khi mà thời hạn chót trong tối hậu thư do ECOWAS gửi tới Niger là 6-8 trong khi tình hình hiện tại ở quốc gia tây Phi này vẫn đang tiếp tục xấu đi. Nhiều chuyên gia nhận định nguy cơ xảy ra ngay lập tức cuộc đối đầu quân sự là không có, nhưng tuyên bố của Mali và Burkina Faso rõ ràng sẽ đẩy cuộc khủng hoảng ở Niger tiếp tục lún sâu, làm lộ rõ hơn những rạn nứt đã tồn tại lâu nay trong khu vực và làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về xu thế đáng lo ngại ở châu Phi khi liên tục xảy ra đảo chính quân sự trong 4 năm qua.

Tình hình nghiêm trọng này cũng làm dấy lên khả năng nữa là cuộc khủng hoảng tại Niger, quốc gia hiện có khoảng 2.600 binh sĩ của Mỹ và Pháp đồn trú, sẽ lan rộng thành xung đột khu vực. Ngày 1-8, quan chức quân đội Pháp thông báo việc hợp tác quân sự giữa Pháp và Niger đã tạm dừng nhưng các binh sĩ Pháp sẽ không rời Niger. Lầu Năm Góc cũng xác nhận đã tạm đình chỉ hợp tác quân sự với nước Tây Phi này. 

Trong cuộc đảo chính ngày 26-7, ông Bazoum bị chính những người cận vệ của ông bắt giữ. Ông đang bị quản thúc tại nhà riêng gần dinh tổng thống ở thủ đô Niamey nhưng vẫn được phép tiếp đón những người khách tới thăm và cũng vẫn có thể nhận điện thoại từ các nhà lãnh đạo thế giới cũng như cấp dưới của ông. Tướng Abdourahmane Tchiani, người đứng đầu lực lượng bảo vệ tổng thống Niger, đã tuyên bố là người quản lý hội đồng quân sự điều hành đất nước. Ông Tchiani, 59 tuổi, từng tham gia các khóa huấn luyện quân sự tại Pháp và Mỹ trước đây. Thời gian qua, ông Tchiani đã phát sinh những bất đồng với ông Bazoum và chỉ trích ông về cách xử lý với lực lượng nổi dậy trong nước.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Niger được đánh giá là bài kiểm tra khắc nghiệt đối với khối ECOWAS và người lãnh đạo của nhóm này, ông Bola Tinubu,  tổng thống vừa đắc cử của Nigeria. ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên của Burkina Faso, Mali và Guinea kể từ năm 2020 vì các cuộc đảo chính quân sự xảy ra tại những nước này.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.