Phép thử của Mỹ và đồng minh cốt lõi

.

Kể từ sau Thế chiến 2, Nhật Bản và Hàn Quốc là đồng minh chiến lược của Mỹ ở Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung. Tuy nhiên, quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản từng “cơm không lành, canh không ngọt” do các vấn đề gai góc dẫn đến sự chốt chặn để ứng phó với nguy cơ an ninh trong khu vực không bền vững. Trong lúc thế giới luôn biến động, đặc biệt Đông Bắc Á chứng kiến nguy cơ xung đột vũ trang, thậm chí đe dọa về hạt nhân, Mỹ và các đồng minh ý thức rõ hơn về tăng cường hợp tác.

Để ứng phó với sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt ở châu Á, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden rất cần sự trợ giúp của hai đồng minh lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc để tạo khối đoàn kết mạnh mẽ hơn. Do vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Biden là đưa Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau, tạo hợp tác ba bên Washington-Tokyo-Seoul để hình thành sự chốt chặn vững chắc. Vì thế, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Trại David (Mỹ) ngày 18-8 được kỳ vọng là “kỷ nguyên mới trong hợp tác ba bên”. 

Ngày 15-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi Nhật Bản và Hàn Quốc là những đồng minh cốt lõi của Mỹ, không chỉ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà còn toàn thế giới. Hội nghị sẽ đánh dấu thời đại mới nhằm thể chế hóa hơn nữa cơ chế khung quan trọng về hợp tác an ninh, qua đó duy trì đà tiến triển trong “mối quan hệ ba bên vô cùng quan trọng đối với thế kỷ 21”. Cơ chế này sẽ đóng vai trò thiết yếu trong duy trì an ninh và ổn định ở trong và ngoài châu Á. Theo đó, các bước đi sẽ bao gồm việc thường xuyên tổ chức các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của 3 nước để tìm biện pháp xử lý các tình huống thực tế.

Yonhap dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết, nước này đang làm việc với Hàn Quốc và Nhật Bản để ngăn chặn hành động khiêu khích tiềm tàng sau khi Triều Tiên cảnh báo bán đảo Triều Tiên đang đứng trước “bờ vực chiến tranh hạt nhân”; đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng có thể tiếp tục thử hạt nhân, khiến căng thẳng gia tăng.

Ở khía cạnh khác, theo RFI, ngay từ ngày đầu cầm quyền, ông Biden nỗ lực thúc đẩy hai đồng minh hòa giải với nhau và gặt hái kết quả khả quan nhờ thừa hưởng một số diễn biến thuận lợi. Trước hết là sự thay đổi thái độ từ Hàn Quốc bắt nguồn từ sự kiện cánh hữu vốn thân Mỹ hơn đã trở lại nắm quyền tại Seoul. Từ khi đắc cử năm 2022, Tổng thống Yoon Suk Yeol có những quyết định mang tính chất hòa giải mà tiêu biểu là chuyến công du Nhật Bản tháng 5-2023, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc sau 12 năm. Mặt khác, cả Tokyo lẫn Seoul đều có chung mối quan ngại về Triều Tiên cũng như Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Christopher Johnstone, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, những bước tiến đạt được vẫn còn mong manh. “Ở Hàn Quốc, những nỗ lực của Tổng thống Yoon Suk Yeol vẫn chưa được lòng dân một cách rộng rãi, trong khi ở Nhật Bản, người dân thường xuyên hoài nghi về tính bền vững của sự cải thiện quan hệ và lo ngại một tổng thống (Hàn Quốc) tương lai có thể lật ngược tình thế một lần nữa”, ông Johnstone nói. Có thể nói, bài kiểm tra thực sự của cuộc gặp tại Trại David sẽ là kết quả dàn xếp những khác biệt trong mục tiêu chiến lược của ba nước và mức độ thể chế hóa quan hệ ba bên để bảo đảm sự hợp tác ổn định trước những thay đổi chính trị tại mỗi nước.

Trong khi đó, Triều Tiên và Trung Quốc đều lên án mạnh mẽ khả năng hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc, nhất là về quân sự. Theo CGTN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kiên quyết phản đối các quốc gia bên ngoài châu Á - Thái Bình Dương can thiệp các vấn đề khu vực, đồng thời kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc kiềm chế, không làm bất cứ điều gì làm “suy yếu niềm tin lẫn nhau” giữa các nước, gây tổn hại hòa bình và ổn định trong khu vực.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.