Cuộc gặp kỳ vọng Nga trở lại thỏa thuận ngũ cốc

.

Tại cuộc gặp ở Sochi (Nga) ngày 4-9 (giờ địa phương), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cố gắng tìm cách thuyết phục người đồng cấp Nga Vladimir Putin trở lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen với Ukraine dựa theo điều khoản mới từ Liên Hợp Quốc (LHQ), bước đi giúp làm dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đóng vai trò trung gian vào năm 2022 đổ vỡ sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận vào tháng 7-2023. Kể từ đó, Ankara luôn tìm cách thuyết phục Moscow quay trở lại thỏa thuận kịp thời cho vụ thu hoạch mùa thu năm nay. Theo Reuters, đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Putin và ông Erdogan kể từ tháng 10-2022. Hai nhà lãnh đạo dự kiến tập trung xem xét kỹ lưỡng các đề xuất mới nhất của LHQ với sự tham gia tích cực hơn của Thổ Nhĩ Kỳ về việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc. Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng hiểu rõ hơn về lập trường và yêu cầu của Nga, trải rộng từ giao dịch tài chính đến bảo hiểm, để tìm giải pháp đáp ứng.

Theo tờ Sabah, các đề xuất mới của LHQ có tính đến quyền lợi của Nga mà lâu nay phương Tây cố tình phớt lờ, bao gồm khởi động đàm phán nhằm dỡ bỏ hạn chế đối với các nhà sản xuất thực phẩm của Nga vốn có tài sản bị châu Âu phong tỏa; tiến hành đánh giá thiệt hại của các đường ống vận chuyển ammoniac của Nga bị hư hỏng, qua đó giúp tạo điều kiện thuận lợi đưa sản phẩm này ra thị trường; tái kết nối Ngân hàng Rosselkhozbank (Nga) với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của phương Tây; bảo hiểm cho các tàu chở thực phẩm của Nga...

Về phần mình, Nga cũng đưa ra sáng kiến của Tổng thống Putin về cung cấp tới 1 triệu tấn ngũ cốc của nước này cho Thổ Nhĩ Kỳ với mức giá giảm để phục vụ công đoạn chế biến tiếp theo tại các nhà máy của Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó vận chuyển chúng đến các nước có nhu cầu nhất. Theo đề xuất của LHQ, quá trình này được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Qatar.

Theo AP, Tổng thống Putin đồng ý gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan để thảo luận nối lại thỏa thuận ngũ cốc cho thấy ông Erdogan là nhà môi giới chủ chốt đối với Nga. Thực tế, ông Erdogan là một trong số ít nhà lãnh đạo trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) duy trì khả năng tiếp cận cởi mở với ông Putin kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Thổ Nhĩ Kỳ cũng từ chối tham gia “bão trừng phạt” của phương Tây đối với Nga, đồng thời trở thành địa điểm quan trọng để Nga tiếp cận các dịch vụ và hàng hóa quốc tế.

Tuy nhiên, việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ảnh hưởng lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, khơi dậy sự cạnh tranh kéo dài hàng thế kỷ giữa hai nước. Kể từ sau khi thỏa thuận đổ vỡ, nguồn cung ngũ cốc không đến các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận mà thay vào đó Nga cam kết phân phát miễn phí cho một số nước châu Phi. Điều đó khiến vai trò thị trường nhập khẩu năng lượng giá rẻ cũng như nông sản sinh lợi của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực bị lung lay. Bên cạnh đó, giá lương thực và năng lượng tăng cao đang tác động nghiêm trọng kinh tế nước này. Do đó, Ankara muốn thỏa thuận hồi sinh sớm nhất có thể. 

Cũng theo giới quan sát, đằng sau cuộc thảo luận về sự đồng thuận và thỏa hiệp là tầm nhìn cạnh tranh nhau của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về Biển Đen. Tuyến đường thủy chiến lược ở Biển Đen là huyết mạch quan trọng cho thương mại năng lượng và nông nghiệp, giúp cung cấp dầu, khí đốt và ngũ cốc cho phần lớn của thế giới. Không chỉ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có ảnh hưởng lớn đối với Biển Đen do nước này kiểm soát các eo biển chiến lược Bosphorus và Dardanelles vốn nối liền Biển Đen và Địa Trung Hải, hình thành tuyến đường biển cổ chai nối liền châu Âu và châu Á.

Theo Điện Kremlin, bên cạnh trọng tâm về thỏa thuận ngũ cốc, cuộc hội đàm cũng bàn về những nỗ lực phát triển hợp tác song phương Nga-Thổ Nhĩ Kỳ mà đôi bên cùng có lợi, cũng như các vấn đề quốc tế cấp bách khác. Chuyến thăm Sochi của ông Erdogan cũng là dịp để hai nhà lãnh đạo giải quyết những vấn đề nảy sinh gần đây trong mối quan hệ. Nga tỏ ra không hài lòng khi Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng khi gần đây tuyên bố tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine và ủng hộ tham vọng gia nhập NATO của Kiev.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.