Đã đến lúc quản lý toàn cầu về AI?

.

Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI) những năm gần đây đem lại lợi ích vô cùng lớn cho con người trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, mặt trái của AI cũng là thách thức nghiêm trọng.

Reuters dẫn lời ông Geoffrey Hinton, nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về AI cảnh báo, mối đe dọa từ AI có thể còn khẩn cấp hơn cả biến đổi khí hậu. Với biến đổi khí hậu, việc đưa ra lời khuyên về hành động cần làm còn dễ hơn nhưng với AI thì mọi thứ không rõ ràng như thế.

Viện dẫn các nguy cơ tiềm tàng đối với xã hội và nhân loại, ông Elon Musk, CEO của X (trước đây là Twitter), cùng với nhiều lãnh đạo các công ty công nghệ lớn khác đã ký bức thư ngỏ hồi tháng 4-2023 kêu gọi tạm dừng 6 tháng phát triển AI tiên tiến cho đến khi quy định về an toàn mới dành cho thiết kế AI được phát triển, thực thi và giám sát bởi các chuyên gia độc lập. Thư cũng nêu chi tiết các nguy cơ tiềm tàng đối với xã hội và nền văn minh mà các hệ thống AI cạnh tranh với loài người có thể gây ra dưới dạng những gián đoạn kinh tế và chính trị; đồng thời kêu gọi các nhà phát triển AI phối hợp với các nhà hoạch định chính sách để quản lý AI.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc xây dựng hệ thống bắt buộc các công ty phải có giấy phép trước khi “trình làng” các hệ thống AI sáng tạo. Hệ thống cấp phép này cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực cân bằng tham vọng phát triển các công nghệ vượt trội trên thế giới với hoạt động kiểm soát nội dung.

Tương tự, Bộ Thương mại Mỹ sẽ lập nhóm làm việc công khai về AI sáng tạo nhằm hiểu rõ và tận dụng cơ hội mà công nghệ mới này mang lại, đồng thời phát triển hướng dẫn để ứng phó với rủi ro.

Đáng chú ý, Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ và Kỹ thuật số Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản thảo luận các vấn đề ưu tiên cao trong lĩnh vực kỹ thuật số như quản trị AI, xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn và bền vững. Ngoài việc phản đối hành vi sử dụng AI làm suy yếu giá trị dân chủ, G7 cũng hướng tới áp dụng kế hoạch hành động thúc đẩy sử dụng AI có trách nhiệm, kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan trong phát triển các tiêu chuẩn quốc tế.

Liên minh châu Âu (EU) đi đầu trong việc đề ra quy định quản lý AI toàn khối. Sau 2 năm thảo luận, tháng 5-2023, Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu quyết định về AI, đánh dấu bước tiến mới trong quy trình thông qua đạo luật chính thức cuối năm 2023 về quản lý các công cụ AI như ChatGPT. Đạo luật AI tại EU sẽ trở thành luật hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới về quản lý công nghệ này, với những quy định xung quanh sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, kiểm tra sinh trắc và các ứng dụng AI khác.

Không dừng lại ở đó, ngày 13-9, Chủ tịch Ursula von der Leyen cho biết, hàng trăm nhà phát triển, học giả và chuyên gia hàng đầu gần đây cảnh báo những mối nguy từ AI, bên cạnh dịch bệnh và nguy cơ chiến tranh hạt nhân; đồng thời kêu gọi ưu tiên giải quyết rủi ro từ AI ở phạm vi toàn cầu.

Bà Leyen đề xuất thành lập hội đồng chuyên gia AI toàn cầu với cơ chế hoạt động tương tự như Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc (LHQ) để đưa ra báo cáo dựa trên nghiên cứu khoa học, qua đó đánh giá  rủi ro và lợi ích của AI đối với nhân loại.

Ý tưởng này xuất phát từ việc chính phủ các nước đang đối mặt với bài toán khó về kiểm soát rủi ro tiềm ẩn của AI đối với xã hội mà không kiềm chế sự đổi mới, sáng tạo. Mặt khác, EU cũng lo ngại tác động tiêu cực của AI đối với các cuộc bầu cử EP năm tới.

Thực tế đó cho thấy, đã đến lúc LHQ, với vai trò dẫn dắt của mình, sớm xây dựng tổ chức quốc tế để nghiên cứu, đánh giá và đề ra nguyên tắc chung trong quản lý, phát triển AI để tránh hậu quả khôn lường và phục vụ đời sống con người tốt hơn.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.