Đông Nam Á tìm nguồn đạm thay thế trước sức ép biến đổi khí hậu

.

Theo báo cáo mới đây của Asia Research Engagement (ARE), cho tới năm 2060, để giải quyết hiệu quả các thách thức của biến đổi khí hậu, các nguồn đạm thay thế ở Đông Nam Á và các nước châu Á - Thái Bình Dương cần phải chiếm hơn một nửa tổng lượng đạm “truyền thống” từ thịt vật nuôi.

“Nếu các nước ưu tiên sản xuất và phát triển các loại protein thay thế, lợi ích gặt hái được về mặt khí hậu có thể là rất lớn”, bà Mirte Gosker, Giám đốc điều hành Good Food Institute APAC (Singapore), tổ chức phi lợi nhuận chuyên đầu tư và phát triển bền vững nhận định với CNBC gần đây. Theo giới chuyên gia, việc giảm tiêu thụ thịt và sản phẩm từ bơ sữa có thể là giải pháp đáng kể cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á. Muốn kiểm soát tình trạng trái đất ấm, khu vực cần giảm hoạt động sản xuất protein từ động vật và chuyển sang nguồn đạm thay thế từ thực vật, nguồn đạm nuôi cấy hay các nguồn khác trước năm 2030. Dĩ nhiên, để đạt mục tiêu này sẽ cần nguồn ngân sách lớn và quyết tâm bền bỉ của ngành công nghiệp thực phẩm tại châu Á cũng như của nhà đầu tư và ngân hàng.

Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trên quy mô lớn nhìn chung được xem là một trong những nguồn phát thải khí carbon lớn nhất thế giới, theo đó, cũng là “tội đồ” chính dẫn tới nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học. Các nhà cung cấp thực phẩm sẽ phải phát rừng để lấy đất trồng các loại cây cung cấp đồ ăn cho vật nuôi. Việc chăn nuôi lấy thịt gây tổn thất môi trường nhiều hơn tổng mức tổn thất với môi trường gộp lại từ việc trồng trọt vì chăn nuôi đòi hỏi nguồn tài nguyên lớn hơn, sử dụng nhiều đất, nước, vật nuôi và sử dụng nhiều kháng sinh hơn.

Dù đây là vấn đề toàn cầu nhưng nó đặc biệt quan trọng với các nước châu Á vì đây là châu lục cung cấp hơn một nửa lượng đạm động vật cho thế giới, trong đó có động vật nuôi trên mặt đất và thủy hải sản. Chưa kể, châu Á cũng là nơi có lượng dân số đông đúc và tăng nhanh nhất thế giới, kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ thịt cũng rất lớn. Vấn đề của châu Á lại không chỉ gói gọn trong châu lục, bởi châu Á cũng đang nhập thịt rất nhiều từ các nước ở Nam Mỹ như Brazil, Argentina, Paraguay. Điều này khiến tác động từ nhu cầu đạm động vật cũng sẽ gia tăng tại những quốc gia này khi nhu cầu thịt tăng cao.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng các nguồn đạm thay thế có vai trò quan trọng với an ninh khí hậu cũng giống như việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, hay giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. Cứ mỗi USD đầu tư vào sản xuất các sản phẩm thịt/sữa thay thế nguồn từ động vật sẽ giúp giảm khí nhà kính tới 7 lần so với hiệu quả từ các tòa nhà xanh, và giảm 11 lần so với hiệu quả từ các loại xe hơi không phát thải.

Thực tế, các nhà đầu tư rất nhạy bén với xu hướng mới này. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào các dự án sản xuất nguồn đạm thay thế đã tăng từ 1 tỷ USD năm 2019 lên mức 5 tỷ USD năm 2021. Đây cũng là mức tăng 60% so với năm 2020. Riêng các công ty sản xuất thịt nuôi cấy và khai thác thủy hải sản thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư trong năm 2021, mức tăng vốn đầu tư tính theo năm lớn nhất trong lịch sử ngành này.

Các công ty thực phẩm hàng đầu Đông Nam Á đang nỗ lực nắm bắt cơ hội từ xu thế mới này. Công ty CP Foods (Thái Lan) phát triển thương hiệu thịt Meat Zero có nguồn gốc thực vật tại Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) nhằm tăng cường nhu cầu tiêu dùng đạm thay thế toàn châu Á. Tuy nhiên, ngay cả việc sản xuất các loại thực phẩm an toàn với khí hậu thì cũng cần tiêu hao năng lượng. Chẳng hạn, các loại thịt nuôi cấy nhân tạo cũng cần dùng điện tại các cơ sở sản xuất.

Theo bà Michelle Huang, chuyên gia về thực phẩm tiêu dùng tại Ngân hàng Rabobank (Hà Lan), khách hàng sẽ là nhân tố quyết định với sự phát triển trong tương lai của protein thay thế. Người tiêu dùng vẫn đang dẫn các lý do như khẩu vị, chất lượng sản phẩm và giá cả là những điều họ còn lấn cấn khi làm quen với các nguồn thực phẩm đạm thay thế. Nếu không có một sự cải thiện bền bỉ về hương vị và giá cả, các công ty sẽ rất khó để biến sự tò mò ban đầu của khách hàng thành lần mua trở lại tiếp theo. Đến nay, vẫn chưa thấy có đột phá công nghệ giúp đạt được sự ngang bằng (hoặc gần bằng) về hương vị và giá cả so với sản phẩm thịt thông thường. Do đó, cần sự đầu tư nhiều hơn từ cả khối công và tư vào nghiên cứu, phát triển nguồn đạm thay thế đạm từ vật nuôi.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.