Ngày 5-9, Nga và Saudi Arabia đạt thỏa thuận tiếp tục kéo dài thời gian tự cắt giảm sản lượng dầu mỏ mỗi ngày đến hết năm 2023 để neo giá dầu ở mức có lợi cho các nước xuất khẩu dầu mỏ nói chung và hai “ông lớn” năng lượng này nói riêng.
Theo AP, ngay sau khi quyết định được công bố, giá dầu thế giới, vốn đã tăng trong các tuần gần đây, “leo” lên mốc mới. Cụ thể, chiều 5-9, giá dầu thô Brent (giá dầu tiêu chuẩn quốc tế) đạt mốc 90 USD/thùng lần đầu tiên trong năm nay; dầu West Texas Intermediate (WTI - giá dầu tiêu chuẩn của Mỹ) là 87,75 USD/thùng; dầu thô tăng hơn 20% kể từ giữa tháng 6-2023.
Theo thỏa thuận, Saudi Arabia giảm 1 triệu thùng dầu/ngày còn Nga giảm 300.000 thùng/ngày. Riyadh lần đầu tiên công bố quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu đầu mùa hè năm nay và thỏa thuận đó được gia hạn theo tháng. Do đó, việc gia hạn mới nhất, với thời gian áp dụng lên tới 3 tháng, khiến giới chuyên gia ngạc nhiên. Quyết định này “nhằm củng cố biện pháp phòng ngừa của các nước OPEC+ để duy trì ổn định và cân bằng của thị trường dầu”, TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak lý giải.
Với quyết định này, Nga và Saudi Arabia đều tỏ rõ quyết tâm lớn hơn để kiểm soát chặt nguồn cung dầu mỏ, qua đó giữ giá dầu ở mức có lợi cho họ. NYT dẫn lời ông Richard Bronze, chuyên gia địa chính trị tại hãng nghiên cứu Energy Aspects cho biết, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, đứng sau chính sách quyết liệt để giữ giá dầu này. Mức cắt giảm chung của Nga và Saudi Arabia tương đương với hơn 1% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
Giá dầu cao hẳn nhiên là tin tích cực với Nga, Saudi Arabia, những thành viên khác trong OPEC+ và các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Tuy nhiên, việc mặt hàng chiến lược này tăng giá sẽ là nhân tố gây ảnh hưởng lớn, làm phức tạp thêm các nỗ lực kiểm soát lạm phát của nhiều ngân hàng trung ương. Quartz nhận định, việc này có thể làm tăng lạm phát ở một số nước và đẩy giá bán lẻ xăng dầu tăng cao. AP dẫn lời ông Bob McNally, Chủ tịch tổ chức Rapidan Energy Group (Mỹ), cựu cố vấn về năng lượng cho Nhà Trắng, cho biết: “Saudi Arabia và Nga cho thấy sự đoàn kết về chủ động quản lý nguy cơ giá dầu có thể sụt giảm trong tình hình kinh tế khó khăn hơn. Những đợt cắt giảm sẽ khơi sâu thêm các thâm hụt trong thế cân bằng về dầu mỏ toàn cầu và đẩy giá dầu tăng vượt mức 90 USD/thùng, trừ khi có sự suy thoái kinh tế đáng kể”.
Việc giá dầu Brent vọt lên mức 90USD/thùng, hoặc thậm chí cao hơn, cũng có thể khiến quan hệ Mỹ-Saudi Arabia thêm căng thẳng bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo Saudi Arabia sẽ đối mặt hậu quả nếu bắt tay với Nga để giảm sản lượng dầu. Thực tế, năm 2022, dù có một loạt cắt giảm sản lượng nhưng vẫn không thể đẩy giá dầu lên đáng kể do nhu cầu năng lượng giảm ở Trung Quốc và nhiều nước siết chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, khi hoạt động đi lại quốc tế đã trở lại mức gần như trước Covid-19, nhu cầu dầu chắc chắc tiếp tục tăng.
Quyết định cắt giảm cũng có nghĩa Saudi Arabia sẽ phải “để lại” trữ lượng lớn dầu mỏ trong lòng đất. Theo SPA, năm nay, các giếng dầu của vương quốc Hồi giáo sẽ sản xuất khoảng 9 triệu thùng dầu/ngày, thấp hơn gần 2 triệu thùng/ngày so với một năm trước đó. Nước này đang đầu tư hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp dầu khí để khai thác nhiều dầu mỏ nhất có thể. Do đó, việc duy trì mức giảm sản lượng như thỏa thuận mới nhất có thể là lựa chọn có tính toán kỹ vì họ thấy rõ rằng việc giảm sản lượng mà bán được giá cao thì tốt hơn là ngược lại.
TRẦN ĐẮC LUÂN