Vì sao Pháp mất dần ảnh hưởng ở châu Phi?

.

Kể từ năm 2020, các nước thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi, gần đây nhất ở Niger và Gabon, liên tiếp xảy ra đảo chính quân sự, giáng đòn nặng vào tầm ảnh hưởng vốn được gọi là “sân sau” của Pháp trong suốt thế kỷ qua. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến diễn biến đáng lo ngại này?

Trước hết, nhìn vào bức tranh toàn cảnh châu Phi, tình trạng nghèo đói vô cùng nghiêm trọng đang đeo bám hàng trăm triệu người dân trong khi xung đột vũ trang vẫn dai dẳng. Kinh tế nhiều nước châu Phi ở mức thấp nhất của thế giới dù sở hữu nguồn tài nguyên phong phú và lao động giá rẻ. Đặc biệt, nội bộ chính trị ở nhiều nước luôn bất ổn với nhiều phe phái tranh giành quyền lực. Mô hình “triều đại gia tộc” ở nhiều nước không phù hợp với thực tiễn và là nguyên nhân gây nên làn sóng phẫn nộ trong công chúng. Các tổ chức khủng bố đã xâm nhập, tiến hành phá hoại, thậm chí thực hiện hàng loạt vụ tấn công nghiêm trọng, khiến xã hội luôn bất ổn.

Tiếp đến, theo lý giải của giới quan sát, những năm gần đây, các chính quyền Pháp, mà hiện là Tổng thống Emmanuel Macron, thực thi chính sách châu Phi tùy theo từng nước với mức độ khác nhau nhưng nhìn chung đều xa rời thực tế, nhất là “ở thế bề trên” và quá tự tin vào quan hệ vốn có với các thuộc địa cũ của mình về ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, quân sự. Chẳng hạn, với vai trò là “mẫu quốc” cũ của nhiều nước phía nam sa mạc Sahara, Pháp gầy dựng ảnh hưởng thông qua cuộc chiến chống khủng bố từ năm 2013. Tuy nhiên, sau gần 10 năm chống khủng bố ở Mali, quân đội Pháp được đánh giá không hiệu quả và phải chấm dứt hoạt động trong khi các nhóm khủng bố vẫn mở rộng địa bàn hoạt động khắp khu vực. Những gì diễn ra tại Mali là thất bại về mặt chính sách đối ngoại-an ninh được tích tụ từ những bất hợp lý từ thời Tổng thống Francois Hollande.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người châu Phi có sự thay đổi trong nhận thức chính trị. Phần lớn các lượng chính trị hiện nay ở châu Phi đều xuất phát từ lực lượng dân số trẻ và đang nhanh chóng hình thành quan điểm phản đối Pháp. Với độ tuổi dân số trung bình chỉ 20, châu Phi khát khao sự đổi mới và tìm kiếm đối tác khác, ngoài mối quan hệ lịch sử với một nước Pháp với tư tưởng “bảo hộ” từ thời thực dân.

Yếu tố đáng lưu ý khác là xu thế đa phương hóa ngày càng mạnh mẽ. Pháp vẫn xem thế giới đơn cực do Mỹ dẫn dắt mang tính “cốt lõi” quyết định vận mệnh của hầu hết các nước ở các châu lục mà mình là nhân tố chủ chốt nên vẫn tự tin về khả năng chi phối các thành viên vốn là thuộc địa cũ mà không lường trước sự xuất hiện những mô hình hợp tác mới năng động, thích ứng với châu Phi với sự tham gia của các nước như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Các nước này đều đặt quan hệ về kinh tế lên trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền vốn còn nhiều trắc trở ở “lục địa đen”. Trung Quốc và Nga liên tiếp mở các hội nghị thượng đỉnh, diễn đàn kinh tế với các nước châu Phi để tìm tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế và khu vực nhưng hợp tác kinh tế, đầu tư được đặt lên hàng đầu. Thậm chí, Nga cam kết cung cấp hàng vạn tấn lương thực miễn phí cho các nước châu Phi đang thiếu lương thực nghiêm trọng.

Tổng thống Macron gần đây điều chỉnh chính sách của Pháp đối với châu Phi, trong đó khởi xướng việc thu hồi các hiện vật văn hóa lấy được trong các cuộc xung đột thuộc địa, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra ngoài các mối quan hệ thông thường của Chính phủ để thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ. Ông Macron cũng mong muốn thay đổi hình ảnh nước Pháp khi nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác với châu Phi trên cơ sở bình đẳng.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.