Phần Lan đóng toàn bộ cửa khẩu với Nga

.

Theo thông báo đưa ra chỉ một ngày trước thời điểm có hiệu lực vào ngày 28-11, Chính phủ Phần Lan sẽ tạm đóng cửa khẩu Raja-Jooseppi ở vùng Lapland, cũng là cửa khẩu cuối cùng còn mở giữa Phần Lan với Nga, vào đêm 29-11.

Xe buýt và xe tải đậu ở cửa khẩu quốc tế Raja-Jooseppi ở Inari, phía bắc Phần Lan, vào ngày 28-11-2023. Ảnh: Reuters
Xe buýt và xe tải đậu ở cửa khẩu quốc tế Raja-Jooseppi ở Inari, phía bắc Phần Lan, vào ngày 28-11-2023. Ảnh: Reuters

Động thái diễn ra sau khi Phần Lan đóng 8 cửa khẩu khác giữa hai nước. Như vậy, tính tới ngày 29-11, Phần Lan đã đóng toàn bộ các cửa khẩu dọc theo đường biên dài 830 dặm với Nga. Diễn biến căng thẳng bắt nguồn từ vấn đề mà Phần Lan (cũng như Liên minh châu Âu) tin rằng Nga có chủ ý khi đưa người tị nạn tới biên giới với nước này.

Đóng cửa mà không tham vấn?

Thời gian đóng cửa sẽ kéo dài tới ngày 13-12 và trong thời gian đó, người tị nạn sẽ được điều hướng tới các sân bay, bến cảng. Quyết định của Phần Lan đang đặt ra những câu hỏi về tính hợp pháp của nó, cũng như hậu quả của nó với các di dân bị mắc kẹt trong tình huống này. Công bố quyết định đóng cửa khẩu biên giới cuối cùng với Nga, tờ Guardian dẫn lời Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cho biết: “Đây là chiến dịch ảnh hưởng của Nga và chúng tôi không chấp nhận điều đó”. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen nói: “Đây là một vấn đề an ninh quốc gia”,

Đầu tuần này, ông Orpo nói Phần Lan đã thu thập được thông tin tình báo cho thấy chính quyền Nga đã giúp người tị nạn đến được biên giới hai nước. Và vì thế, bất chấp các lần đóng cửa biên giới trước đó, vẫn có thêm nhiều người hơn đổ xô tới Phần Lan thông qua Nga.

Tình huống căng thẳng ở biên giới Nga - Phần Lan đã tăng nhiệt nhanh chóng trong hai tuần qua. Helsinki cáo buộc Moscow đưa người tị nạn tới biên giới nước họ để đáp trả việc Phần Lan hợp tác với Mỹ. Mối quan hệ giữa hai nước đã gặp một số trắc trở trong những tháng gần đây, nhất là từ khi Phần Lan trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 4-2023.

Tuy nhiên, ngay trong những phản hồi từ ngày 22-11, khi vấn đề bắt đầu nóng lên, TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Phần Lan đã có các quyết định hành động đơn phương ở biên giới hai nước mà “không có những tham vấn với lực lượng biên phòng Nga cũng như liên lạc với Nga qua bất cứ kênh thông tin nào”. Bà Maria Zakharova khẳng định, Nga luôn sẵn sàng đối thoại với Phần Lan về tình huống tại biên giới và hy vọng truyền thông sẽ truyền tải đầy đủ thông điệp về lập trường của Nga tới Chính phủ và người dân Phần Lan. “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, nhất là về vấn đề biên giới. Chúng tôi vẫn chưa dừng cuộc đối thoại này, chúng tôi chưa cắt đứt nó; chúng tôi cũng chưa cắt đứt bất cứ kênh liên lạc nào với Phần Lan. Chúng tôi đã nói trực tiếp điều này với các đại diện của Phần Lan”, TASS dẫn lời bà Maria Zakharova.

Có hợp pháp không?

Dù Chính phủ Phần Lan đưa ra những lý do, gồm cả vấn đề an ninh quốc gia, là căn cứ để họ đóng toàn bộ các cửa khẩu với Nga, song giới quan sát vẫn đặt ra những băn khoăn về tính hợp pháp của sự việc. Cùng với đó, nhiều tổ chức từ thiện và nhân quyền cũng cảnh báo về ảnh hưởng của những quyết định đó với tình trạng sức khỏe của di dân, nhất là vào lúc này vùng Bắc Cực đang vào mùa đông, tuyết rơi nhiều và nhiệt độ âm ở mức rất sâu, thường xuyên -250C trong những tuần gần đây.

Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) đã kêu gọi “hai bên cùng tôn trọng những trách nhiệm và nghĩa vụ quốc gia được quy định theo luật pháp quốc tế và bảo đảm cho sự an toàn, nhân phẩm và bảo vệ các quyền của các di dân”. Tổ chức này cũng kêu gọi các bên tạo thêm lộ trình di chuyển an toàn hơn cho di dân để giúp họ tránh trở thành “con mồi” của các tổ chức buôn người hay các đường dây đưa người nhập cư trái phép.

Ngày 28-11, bà Annika Sandlund, đại diện cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc tại các nước Bắc Âu và Baltic, cho rằng việc đóng cửa toàn bộ cửa khẩu biên giới sẽ là “đi ngược lại với luật pháp quốc tế”. Cho tới nay, theo số liệu của lực lượng biên phòng Phần Lan, hơn 900 người tị nạn từ các nước như Somalia, Yemen, Iraq và Syria đã vượt biên từ Nga vào Phần Lan và đây là mức tăng đáng kể so với các số liệu thông thường. Cơ quan biên phòng Phần Lan cho biết, họ đã bắt đầu nhận thấy sự gia tăng bất thường về số người tị nạn tìm đường vào nước họ kể từ hồi đầu tháng 8-2023. Tuy nhiên, trong hai tuần qua thì số di dân tăng vọt.

Nga phản ứng trước khả năng điều quân của NATO
Ngày 28-11, phát biểu tại diễn đàn quốc tế Primakov Readings lần thứ 9 tổ chức tại Moscow từ ngày 27 đến 28-11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, nước này đã biết chuyện Phần Lan đồng ý cho phép điều động các lực lượng của NATO đến lãnh thổ của họ. “Chúng tôi biết là Phần Lan đã ký các thỏa thuận song phương liên quan”, ông Alexander Grushko nói, đồng thời khẳng định, Nga sẽ áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết để phản ứng các hoạt động của NATO ở gần biên giới nước mình.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.