Chỉ còn vài ngày nữa năm 2023 sẽ kết thúc, thế nhưng bức tranh xung đột “bao phủ bóng đen” trên quy mô toàn cầu và đến nay vẫn chưa có “ánh sáng cuối đường hầm”.
Xung đột Nga - Ukraine diễn ra ngay trong lòng châu Âu đương đại vốn được xem là lục địa “bình an” nhất kể từ sau Thế chiến 2, đến nay đã kéo dài gần 700 ngày mà vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang. Dù xuất hiện sự rạn nứt và sụt giảm viện trợ nhưng Mỹ, quốc gia tài trợ chính, vẫn tiếp tục “rót” thêm 250 triệu USD vũ khí cho Ukraine vào những ngày cuối tháng 12-2023. Ngoài việc cung cấp máy bay chiến đấu F16, vũ khí, đạn dược, thông tin tình báo, cơ sở hậu cần cho Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch kinh phí dự phòng cho Ukraine thêm 25 tỷ USD để một phần trợ giúp nền kinh tế đang kiệt quệ.
Trong khi đó, những tưởng sau cuộc chiến ở Iraq, nội chiến ở Syria, Lybia, Yemen và cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố quốc tế khét tiếng như Al-Queda, IS (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) tạm lắng thì hòa bình sẽ được vãn hồi, thế nhưng sự bùng phát cuộc đối đầu Hamas-Israel vào đầu tháng 10-2023 khiến “chảo lửa” Trung Đông nóng bỏng hơn bao giờ hết và có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực. Chỉ sau gần hai tháng xung đột, các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza đã cướp đi mạng sống của khoảng hai vạn người dân Palestine vô tội, đẩy hàng triệu người khác vào cảnh mất nhà cửa, thiếu đói nghiêm trọng. Cộng đồng quốc tế đánh giá đây là thảm họa nhân đạo chưa từng có trong vài thập niên gần đây.
Không những vậy, góp thêm cho sức nóng xung đột ở Trung Đông còn có “cơn sóng dữ” ở vùng Biển Đỏ khi hàng trăm tên lửa, máy bay không người lái của lực lượng Houthi tại Yemen liên tục tấn công vào các tàu thuyền đang di chuyển khiến tuyến vận tải hàng hải vô cùng quan trọng của thế giới này trở nên nguy hiểm chưa từng có.
Tại khu vực khác của châu Á, Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo, vệ tinh do thám, hạ thủy tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đẩy bán đảo Triều Tiên rơi vào thế bất an và có nguy cơ bùng phát xung đột ở dạng “thảm họa hạt nhân” khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng lên tiếng cảnh báo và gia tăng ứng phó.
Tất cả những cuộc xung đột có tên hay các nguy cơ xung đột chưa được đặt tên, đến các mối đe dọa về dịch bệnh, đói nghèo, di cư bất hợp pháp, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng đã và đang lộ rõ các thách thức và rủi ro đối với môi trường an ninh toàn cầu, đe dọa sự tồn tại, phát triển chung của toàn nhân loại, khiến chính trường thế giới biến chuyển không ngừng mà không một quốc gia đơn lẻ nào có đủ sức mạnh và nguồn lực để có thể một mình giải quyết.
Vì thế mà cục diện chính trị thế giới đang chuyển dịch theo xu hướng đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ nét với bước mở rộng mạnh mẽ của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế; gia tăng sự liên kết, hợp tác ngày càng mang tính tất yếu trong một thế giới đầy biến động. Trong đó, đáng chú ý, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) kết nạp Iran và đưa ra lộ trình kết nạp Belarus trong thời gian tới. Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) nhất trí mời 6 quốc gia Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) gia nhập từ năm 2024. Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã mở rộng quy mô khi trao tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bước sang năm 2024, thế giới sẽ không chỉ tiếp tục mang theo những đặc điểm nói trên mà còn trở nên phức tạp khó lường hơn khi các cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu “hóa giải” thông qua đàm phán hòa bình, hay phân định thắng thua, mà còn do hàng chục cuộc bầu cử sẽ diễn ra, có thể thay thế gần một nửa số lãnh đạo các quốc gia ở các châu lục, nhất là ở Mỹ và Nga, qua đó sẽ có tác động mạnh mẽ đến chính trường quốc tế.
TUYẾT MINH