Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ tiếp tục giảm thêm sản lượng trong quý 1-2024. Quyết định này nằm trong dự đoán của giới chuyên gia song họ cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục giảm bất chấp động thái này.
OPEC+ sẽ tiếp tục giảm thêm sản lượng trong quý 1-2024. Ảnh minh họa: Reuters |
Ngày 30-11, OPEC quyết định giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày trong tổng sản lượng của nhóm vào quý 1-2024. Như vậy, sản lượng của OPEC sẽ giảm thêm bên cạnh quyết định tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia từ tháng 7-2023 vẫn còn hiệu lực. Động thái mới nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung trong năm 2024 và neo giá dầu ở mức cao, giúp ổn định nguồn thu cho các “ông lớn” trong OPEC.
Ngăn dư thừa nguồn cung
Như vậy là nhóm OPEC+ đã chấp thuận giảm sâu thêm sản lượng dầu sau khi chứng kiến mức sụt giảm đáng kể của giá dầu cộng thêm các dự báo về nguồn cung dầu của thế giới trong năm tới. Theo Bloomberg, các thành viên của OPEC+ đã đi đến thỏa thuận cắt giảm thông qua bỏ phiếu, và những chi tiết cuối cùng của thỏa thuận sẽ được từng nước thành viên công bố chứ không đưa ra trong thông cáo chung như thường lệ.
Thực tế, 1 triệu thùng cắt giảm thêm mỗi ngày đã thỏa mãn mục tiêu chính mà Saudi Arabia đặt ra tại cuộc họp của OPEC+ vào ngày 30-11. Đó cũng là kết quả sau một tuần đàm phán trù bị của nhóm để vượt qua bất đồng nội bộ về mức quota áp với một số nước châu Phi. Tháng 7-2023, Saudi Arabia chủ động giảm 1 triệu thùng/ngày sau khi giá dầu thô giảm hơn 10% so với mức cao vào tháng 9-2022.
Quyết định cắt giảm vừa được thông qua theo ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích tại ngân hàng UBS Group AG, cho thấy “OPEC+ vẫn muốn duy trì sự kiểm soát đối với bánh lái dầu mỏ”. Liên minh này đang tiếp tục áp dụng lập trường chủ động khi cân nhắc nhu cầu có thể sẽ yếu đi theo mùa vào đầu năm 2024.
Giá dầu đang bị chi phối như thế nào?
Hiện tại, các nhà buôn bán xăng dầu lớn quốc tế không cho rằng quyết định cắt giảm thêm vừa công bố sẽ gây tác động lớn tới thị trường xăng dầu. Bằng chứng là giá dầu thô tiêu chuẩn của Mỹ là West Texas Intermediate (WTI) đã vẫn giảm sau thông báo đó.
Về các nguyên nhân vì sao giá dầu đã không tăng thời gian qua bất chấp việc đã cắt giảm nguồn cung trước đó của OPEC+, Bloomberg lý giải từ hai phương diện: sự thay đổi cấu trúc trong chuỗi cung ứng dầu của thế giới và những diễn biến khá mới trong cách thức giao dịch dầu mỏ thời gian qua.
Ở phương diện thứ nhất, hiện nay, sản lượng nguồn cung dầu đến từ những nước không thuộc OPEC đã lớn hơn nhiều so với trước đây. Các nhà khai thác dầu ở Tây bán cầu sẽ bổ sung thêm hơn 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày vào chuỗi cung ứng mới trong năm nay. Điều này tạo nên sự thay đổi trong cán cân tăng trưởng về nguồn cung dầu thế giới.
Chẳng hạn, Mỹ đã và đang sản xuất, xuất khẩu lượng dầu mỏ với số lượng kỷ lục. Tương tự, sản lượng khai thác cũng như lượng dầu xuất khẩu của Canada cũng đang được tăng cường nhờ mở rộng đường ống truyền tải. Do đó, để tránh dư thừa, sẽ cần mức giảm sâu hơn nữa nguồn cung dầu so với mức OPEC+ vừa đồng thuận. Theo bà Amrita Sen, Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại hãng tư vấn Energy Aspects, mức cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu vừa công bố của OPEC+ có thể chỉ bằng một nửa so với mức giảm trên thực tế vì một số nước trong nhóm này cũng đang khai thác với sản lượng thấp hơn so với mục tiêu của họ.
Ở phương diện thứ hai, hoạt động buôn bán các hợp đồng giao sau với dầu mỏ đang ngày càng được thống lĩnh bởi các nhà đầu cơ hơn là các bên truyền thống như các công ty sản xuất hay lọc dầu. Cụ thể hơn, kiểu chuyên gia tài chính vận dụng thuật toán để ra các quyết định đầu tư hiện đang kiểm soát khoảng 60% các giao dịch dầu mỏ của Mỹ. Chính họ là những người làm tăng thêm tính thất thường của thị trường, cũng như gây ra sự mất kết nối giữa các thị trường giao dịch hàng hóa thực tế và thị trường tài chính. Đó là bởi vì hầu hết họ đều là những người đầu tư theo xu hướng: Sử dụng các chỉ số phân tích thị trường để xác định xu hướng giá cả và rồi làm gia tăng xu hướng đó, dẫn đến những dao động lớn hơn về giá mà có thể có hoặc không liên quan tới quy luật cung - cầu của thị trường.
Lộ trình nào cho giá xăng dầu? Thực tế, việc OPEC+ và các đồng minh của nhóm thất bại trong việc neo giá dầu ở mức cao cũng có nghĩa giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, theo nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế. Đơn cử, giá xăng tại các trạm bán lẻ ở Mỹ giảm trong hai tháng liên tiếp trước khi giữ nguyên vào cuối tháng 11-2023, theo dữ liệu của Hiệp hội ô-tô Mỹ (AAA). Một gallon (3,78l) xăng có giá 3,246 USD vào ngày 29-11, giảm 7% so với một năm trước đó. Nếu căn cứ vào thực tế giá dầu giảm liên tục trong hai tháng qua trong bối cảnh nguồn cung ngày càng nhiều hơn và kinh tế thế giới đang khá ảm đạm, có thể dự đoán giá dầu sẽ còn giảm tiếp trong năm tới. Các cơ quan dự báo về giá dầu, trong đó có Cơ quan năng lượng quốc tế, cũng nhận định sẽ có mức giảm sâu về nhu cầu xăng dầu của thế giới trong thời gian tới. |
TRẦN ĐẮC LUÂN