Tình trạng thiếu hụt đáng lo ngại khí đốt mùa Đông ở châu Âu đã không xảy ra năm thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, người tiêu dùng tiếp tục phải trả mức giá cao hơn đáng kể so với trước đây.
Đường ống khí đốt nối giữa Bulgaria và Serbia. Ảnh: Bloomberg |
Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã được ngăn chặn vào mùa Đông năm ngoái, sau nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp mới, mở lại các cơ sở lưu trữ cũ và triển khai các sáng kiến nhằm giảm mức tiêu thụ ở một số khu vực sử dụng nhiều năng lượng.
Theo nghiên cứu do tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's công bố trong tháng 12 này, các nhà phân tích nhận thấy Liên minh châu Âu (EU) có trữ lượng khí đốt cao kỷ lục, đạt khoảng 97,5% vào cuối tháng 11/2023. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ thiếu năng lượng trong mùa đông này là rất thấp, tạo vị thế vững chắc cho mùa đông tiếp theo.
Kênh CNBC (Mỹ) dẫn báo cáo của Moody's nêu rõ: “Dự trữ năng lượng được cải thiện của châu Âu trong mùa đông này là thành quả từ các hành động của chính phủ về mặt cung và cầu cũng như tiết kiệm năng lượng nhất quán của cả hộ gia đình và doanh nghiệp". Moody's trích dẫn rằng vào năm 2023, các nhà máy điện hạt nhân và thủy điện cùng mùa đông ôn hòa sẽ giúp cải thiện tình hình.
Báo cáo đánh giá tình trạng trì trệ kinh tế ở "Lục địa già" cũng góp phần khiến mức tiêu thụ thấp hơn. Moody’s dự đoán lượng dự trữ khí đốt sẽ cao hơn dự đoán trước đó là 55% vào cuối tháng 3/2024.
Vậy nhưng, báo cáo của Moody’s nhấn mạnh rằng giá khí đốt ở châu Âu sẽ vẫn ở mức cao và không ổn định.
Năng lượng là một trong những động lực mạnh nhất giúp giảm lạm phát trong những tháng gần đây, sau khi nó chính là một trong những nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tăng vọt từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Sử dụng dữ liệu Factset, Moody's nhận thấy rằng giá khí đốt ở châu Âu cao hơn nhiều so với mức trung bình giai đoạn 2015 - 2019. Và dự kiến chúng sẽ duy trì ở trên mức này cho đến ít nhất là năm 2031. Trong năm 2020 và 2021, giá khí đốt ở dưới mức trung bình.
James Waddell, người đứng đầu bộ phận khí đốt châu Âu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu tại công ty Energy Aspects (Anh), nói với CNBC: “Mức thuế mà các hộ gia đình và ngành công nghiệp phải trả vẫn rất cao trong lịch sử. Những biến động về giá này thường diễn ra theo những biến động trên thị trường khí đốt bán buôn với độ trễ vài tháng do phòng ngừa rủi ro cho nhà cung cấp”.
Ông Waddell cho biết, giá bán buôn nhìn chung thấp hơn khoảng 4 lần so với mức trung bình năm 2022, nhưng vẫn cao gấp đôi so với trước đây. “Điều này có nghĩa là vẫn tồn tại áp lực về giá đối với các hộ gia đình và ngành công nghiệp. Chúng tôi ngày càng nhận thấy các công ty quan tâm đến việc chuyển sản xuất ra bên ngoài châu Âu”.
Ông cũng lưu ý rằng, mặc dù nguồn cung ổn định trong ngắn hạn, nhưng vẫn còn lo ngại về khả năng dự trữ khí đốt của châu Âu trong những năm tới, vì dự trữ có thể giảm nhanh chóng trong trường hợp thời tiết giá lạnh. Ông Waddell cho rằng điều đó cũng có thể xảy ra nếu nhu cầu ở châu Á gia tăng kéo theo rất nhiều LNG ra khỏi châu Âu.
Theo nhận định của Moody's, giá xăng sẽ tiếp tục biến động chủ yếu do rủi ro địa chính trị gia tăng. Moody's trích dẫn nhiều rủi ro tiêu cực khác nhau đối với triển vọng thị trường khí đốt, bao gồm việc Nga cắt giảm thêm nguồn cung qua đường ống và các giai đoạn gián đoạn nguồn cung, như đã thấy trong các cuộc đình công tại cơ sở LNG của Australia hồi đầu năm nay.
Các nhà nghiên cứu cho biết, đã có thêm biến động phát sinh sau xung đột Israel-Hamas, khiến phí bảo hiểm rủi ro tăng lên và giá khí đốt giao ngay tăng bất chấp khoảng cách địa lý tương đối của châu Âu với cuộc xung đột.
Theo Báo Tin tức (Theo CNBC)