Tiếp nối “phép thuật” tạo than đá từ CO2 ngay ở nhiệt độ phòng trước đó, một công ty ở Iceland đang thu hút sự quan tâm lớn của thế giới khi đã triển khai thành công công nghệ biến khí CO2 thành đá được sử dụng làm vật liệu xây dựng, qua đó rút ngắn quá trình vốn mất cả ngàn năm trong tự nhiên để CO2 thành đá chỉ trong 2 năm.
Giải pháp trên là bước chuyển đổi tích cực tiếp theo trong nỗ lực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.
Theo Reuters, trong các mái vòm trắc địa nhỏ của công ty khởi nghiệp Carbfix (Iceland), các chuyên gia đang “trình diễn” một cách tiếp cận mới để lưu trữ lượng CO2. Theo đó, sau khi hút qua hệ thống lọc, khí CO2 sẽ được trộn với nước và được bơm xuống độ sâu 1.000m dưới lòng đất, nơi có tầng đá bazan, để khoáng hóa và biến thành đá. Ông Guðnason, Giám đốc truyền thông của Carbfix cho biết, trong 9 năm kể từ khi công ty bắt đầu bơm CO2 vào nhà máy điện, 95% đã biến thành đá dưới lòng đất trong vòng chưa đầy hai năm. Nước hoạt động như một chất ngăn chặn sức nổi của CO2, đồng thời tăng tốc triệt để quá trình khoáng hóa CO2 xảy ra tự nhiên khi nó tiếp xúc với đá bazan. “Thay vì mất hàng nghìn năm để khoáng hóa CO2 thành đá, chúng tôi thực hiện điều đó chỉ trong 2 năm”, ông Guðnason cho biết.
Việc mái vòm trắc địa của Carbfix xuất hiện trên trang bìa của tạp chí National Geographic số mới nhất là dấu hiệu cho thấy công nghệ của công ty Iceland này đang thu hút sự quan tâm quốc tế. Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo và một phái đoàn nghị sĩ Mỹ đã đến thăm địa điểm này vào mùa hè năm nay. Tháng 9-2023, 120 nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, đại diện các công ty và nhà khoa học hàng đầu quốc tế đã gặp nhau ở Iceland để tham dự hội nghị về công nghệ khoáng hóa của Carbfix. Tại đây, các bên đã ký tuyên bố đồng ý rằng quá trình khoáng hóa CO2 “thể hiện tiềm năng rất đáng kể và phần lớn chưa được khai thác để lưu trữ CO2 thu được một cách an toàn và lâu dài”.
Năm 2021, Công ty Climeworks (Thụy Sĩ) và Carbfix đã hợp tác xây dựng nhà máy Orca, thu CO2 trong không khí và biến loại khí thải này thành đá tại Iceland. Nhà máy này có công suất “hấp thụ” khoảng 4.000 tấn CO2 mỗi năm. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), lượng CO2 này tương đương lượng khí thải từ khoảng 870 ô-tô. Gần đó, công trình xây dựng nhà máy thứ hai, Mammoth, lớn hơn 9 lần so với Orca đang được triển khai. Tiến sĩ Edda Sif Aradottir, Giám đốc điều hành của Carbfix, cho biết công ty đang tập trung phát triển công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) nhằm ngăn chặn CO2 xâm nhập vào khí quyển ngay từ đầu, tập trung vào các nhà máy xi-măng, thép và điện, những nơi khó có thể giảm lượng phát thải CO2, qua đó giúp giảm bớt vấn nạn gia tăng nhiệt độ toàn cầu vào năm 2050.
Trong nỗ lực mới nhất, Carbfix đang tiến hành dự án Nhà ga Coda, cơ sở lưu trữ và vận chuyển CO2 xuyên biên giới được lên kế hoạch vào năm ngoái đã nhận được 150 triệu euro tài trợ từ Quỹ Đổi mới EU. Theo kế hoạch, Coda dự kiến mở cửa vào năm 2026 và sẽ nhận các chuyến tàu chở CO2 được vận chuyển từ các khu công nghiệp ở Bắc Âu. Sau đó, CO2 được bơm vào mạng lưới các giếng phun gần đó và được lưu trữ trong tầng đá bazan. Khi đạt công suất tối đa vào năm 2031, Coda có thể khai thác 3 triệu tấn CO2.
Carbfix cũng đang để mắt đến các quốc gia ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, nơi có tiềm năng lưu trữ tốt và nguồn phát thải lớn. Hiện tại, Carbfix đã bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác với Mỹ và Canada trong việc phát triển công nghệ CCS, và tại Anh, nơi chính phủ gần đây đã hỗ trợ 1 triệu bảng cho các nhà khoa học của Đại học Edinburgh để nghiên cứu tiềm năng khoáng hóa ở Scotland, vùng địa chất giàu đá bazan. Anh đặt mục tiêu thu giữ và lưu trữ 20-30 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2030 và đã cấp 6 giấy phép thẩm định và lưu trữ trên thềm lục địa của nước này. Stuart Hazeldine, giáo sư về thu hồi và lưu trữ carbon tại Đại học Edinburgh, cho biết, việc lưu trữ CO2 khoáng hóa có tiềm năng rất lớn và “thậm chí còn an toàn hơn so với việc lưu trữ CO2 thông thường ở địa chất trong đá sa thạch xốp”.
NGHI VĂN