Mỹ, Anh và Úc đã ký thỏa thuận mới nhằm tăng cường khả năng răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua hợp tác sâu rộng về công nghệ cao, đánh dấu bước tiến mới của Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường ba bên (AUKUS). Tuy nhiên, Trung Quốc tỏ ra thận trọng trước động thái này.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Mỹ và Anh dự cuộc họp báo tại California (Mỹ) ngày 1-12. Ảnh: AFP |
Đẩy mạnh công nghệ cao phục vụ quốc phòng
Trong cuộc họp tại California (Mỹ) cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Anh và Úc nhất trí thúc đẩy hợp tác công nghệ cao trong củng cố năng lực quốc phòng, tập trung vào công nghệ không gian, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ máy tính lượng tử. Cuộc gặp diễn ra tại Thung lũng Silicon, “trái tim” của ngành công nghệ Mỹ.
Theo Reuters, một trong những điểm nhấn tại sự kiện này là việc công bố chương trình “Năng lực Radar không gian sâu tiên tiến”; trong đó xây dựng các điểm quét radar tại 3 quốc gia trước cuối thập niên này, với khả năng bao phủ trong phạm vi 35.000km trong vũ trụ, qua đó tăng cường khả năng phát hiện và theo dõi vật thể trong không gian sâu.
Bên cạnh sở hữu lực lượng không gian tiên tiến sẵn có, Mỹ giờ đây có thêm sự trợ giúp với khả năng giám sát không gian từ Anh và Úc thông qua chia sẻ dữ liệu và thông tin tình báo, đồng thời chuẩn bị triển khai hoạt động quân sự chung trong không gian tiềm năng. 3 nước cũng phối hợp về công nghệ lượng tử hỗ trợ điều hướng vũ khí và định vị, cũng như công nghệ AI trong gia tăng khả năng xác định chính xác mục tiêu quân sự.
Thỏa thuận mới nói trên thu hút sự chú ý khi cho thấy tầm vóc mới của AUKUS, một trong số “át chủ bài” của Mỹ nhằm ứng phó với Trung Quốc. Bên cạnh nhất trí hợp tác xây dựng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo thỏa thuận ban đầu, thỏa thuận mới sẽ thiết lập một loạt tập trận quân sự liên quan đến sử dụng máy bay không người lái dưới biển và trên mặt nước, đồng thời cải thiện khả năng chia sẻ thông tin tình báo và dữ liệu khi sử dụng phao siêu âm để phát hiện tàu ngầm và các vật thể khác dưới nước.
Đáng chú ý, việc áp dụng công nghệ AI sẽ cho phép Mỹ, Anh và Úc tích hợp các hệ thống tác chiến chống tàu ngầm, bao gồm dữ liệu được thu thập bởi tàu ngầm, máy bay chống ngầm, tàu mặt nước và các phương tiện khác, đồng thời đưa ra phán đoán nhanh hơn, chính xác hơn trong việc tìm kiếm và tấn công.
Lầu Năm góc cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã “bật đèn xanh” cho việc triển khai thương vụ tiềm năng liên quan huấn luyện và cung cấp thiết bị huấn luyện ước tính khoảng 2 tỷ USD cho Úc.
Trung Quốc quan ngại
Washington Post dẫn tuyên bố chung cho biết, mục tiêu của hợp tác ba bên là giải quyết tốt hơn các thách thức an ninh toàn cầu, bảo đảm mỗi bên có thể tự vệ trước các mối đe dọa đang gia tăng nhanh chóng và góp phần vào sự ổn định, thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Mỹ đang phát triển và thử nghiệm các năng lực chiến đấu tiên tiến với Anh và Úc trong nỗ lực tiến gần hơn mỗi ngày đến tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Tuy nhiên, Global Times dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, lấy “mối đe dọa Trung Quốc” làm cái cớ, Mỹ, Anh và Úc có chủ ý mở rộng hợp tác quân sự AUKUS một cách đáng lo ngại từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến hệ thống chống tàu ngầm có máy bay không người lái và AI, cũng như theo dõi không gian vốn đều là những lĩnh vực nhạy cảm.
Theo AP, bước tiến mới trong hợp tác ba bên Mỹ-Anh-Úc được thúc đẩy bởi “những lo ngại về chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như sự mở rộng hiện diện nhanh chóng của nước này trong khu vực”. Wall Street Journal gần đây cho biết, Trung Quốc đang thu hẹp một trong những khoảng cách lớn nhất với quân đội Mỹ về công nghệ cao khi nước này đạt được những tiến bộ trong công nghệ tàu ngầm và khả năng phát hiện dưới biển. Do đó, hợp tác ba bên Mỹ-Anh-Úc nhằm kiềm chế sức mạnh công nghệ quốc phòng tiên tiến của Trung Quốc.
Global Times dẫn lời ông Wei Dongxu, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nhận định, về bản chất, mục tiêu của sự hợp tác ba bên như vậy là xây dựng “nhóm quân sự nhỏ” để tăng cường hợp tác quốc phòng, mở rộng sức mạnh quân sự. Thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ban đầu vốn đã đe dọa nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân và hiện ba nước đang bổ sung các dự án rất nhạy cảm như AI cho mục đích quân sự và quân sự hóa không gian. Những dự án này giữa các nước thành viên AUKUS không chỉ có nguy cơ dẫn đến cuộc đua vũ trang trong khu vực mà còn tạo ra tiền lệ đáng quan ngại.
Thành lập vào năm 2021 nhằm tạo ra đối trọng với Trung Quốc và Nga, AUKUS được triển khai dựa trên hai trụ cột. Trụ cột thứ nhất giúp Úc sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vào đầu năm 2024 và mua ít nhất 3 tàu ngầm hạt nhân của Mỹ vào thập niên 2030. Trụ cột thứ hai tập trung phát triển các năng lực chiến đấu tiên tiến giữa ba nước bao gồm một loạt các cuộc diễn tập thử nghiệm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bắt đầu từ đầu năm sau. Thỏa thuận mới nói trên ra mắt vào thời điểm quan trọng trong lịch sử trụ cột thứ hai của AUKUS. |
THƯ LÊ