Vì sao Biển Đỏ lại dậy sóng?

.

Biển Đỏ, một vịnh nhỏ của Ấn Độ Dương nằm giữa châu Phi và châu Á, là tuyến đường vận tải quốc tế vô cùng quan trọng thông ra đại dương ở phía nam thông qua eo biển Bab-el-Mandeb và vịnh Aden. Những năm gần đây, Biển Đỏ thường chứng kiến các vụ tấn công, bắt cóc tàu thuyền, nhất là khi có những bất ổn diễn ra ở một số nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Tháng 8-2023, Hải quân Mỹ phải triển khai hơn 3.000 quân đến Biển Đỏ trên hai tàu chiến USS Bataan và USS Carter Hall trong nỗ lực tăng cường lực lượng tại đây sau khi xảy ra vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu. Khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát, Mỹ điều thêm tàu khu trục Carney mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke hoạt động tại Biển Đỏ để ngăn chặn tên lửa mà lực lượng Houthi ở Yemen bắn về phía Israel.

Đầu tháng 12-2023, việc Israel mở rộng chiến dịch quân sự ra toàn bộ Dải Gaza sau khi thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ đã làm gia tăng nguy cơ tái diễn các cuộc tấn công bằng đường biển. Đáng chú ý, Biển Đỏ đã trở nên dậy sóng khi lực lượng Houthi tiến hành một loạt cuộc tấn công vào các tàu thuyền, cũng như phóng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào Israel.

Người phát ngôn của Lực lượng phong trào Houthi, Tướng Yahya Saree cho biết, họ đã tấn công hai tàu Israel là Unity Explorer và Number 9 bằng máy bay không người lái và tên lửa hải quân ở eo biển Bab el-Mandeb nối Biển Đỏ với vịnh Aden. Trước đó, ngày 19-11, lực lượng Houthi bắt giữ một con tàu thuộc sở hữu của một doanh nhân Israel và do một công ty Nhật Bản điều hành với khoảng 25 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu.

Tướng Yahya Saree nhấn mạnh: “Các lực lượng vũ trang Yemen tiếp tục ngăn cản các tàu Israel di chuyển trên Biển Đỏ và vịnh Aden cho đến khi Israel dừng lại các hành động gây hấn nhằm vào những người anh em của chúng tôi ở Dải Gaza. Lực lượng vũ trang Yemen tái cảnh báo tới tất cả tàu của Israel hoặc những tàu có liên quan đến người Israel rằng họ sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp nếu vi phạm những gì được nêu trong tuyên bố này”?!

Cùng ngày, người phát ngôn của quân đội Israel (IDF), Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari nêu rõ: “Ngày 3-12, các tên lửa nhắm vào 2 tàu thương mại không có mối liên hệ nào với nhà nước Israel... Một tàu bị hư hỏng nghiêm trọng và có nguy cơ bị đắm, tàu còn lại bị hư hỏng nhẹ”. Trong khi đó, Mỹ cho biết, các máy bay không người lái của Houthi đã lao về phía có các tàu Hải quân Mỹ đang hoạt động và đã bị bắn hạ ngay lập tức.

Ngày 4-12, AP dẫn tuyên bố của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết, các cuộc tấn công này là mối đe dọa trực tiếp đối với thương mại quốc tế và an ninh hàng hải; gây nguy hiểm đến tính mạng của các thủy thủ đoàn quốc tế đại diện cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Đáng chú ý, cơ quan này đồng quan điểm với Israel khi nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng có mọi lý do để tin rằng những cuộc tấn công này, tuy do Houthi phát động ở Yemen nhưng hoàn toàn do Iran thực hiện”. Trước đó, một quan chức cấp cao của Israel cũng cho biết: “Cần hiểu rằng vũ khí mà Houthi sử dụng để thực hiện chiến dịch là vũ khí của Iran. Tình báo, khả năng, phương pháp là của Iran”.

AP nhận định, diễn biến này có khả năng đánh dấu bước leo thang lớn trong một loạt cuộc tấn công trên biển ở Trung Đông liên quan đến cuộc chiến Israel-Hamas khi nhiều tàu lần đầu tiên rơi vào tầm ngắm.

Trong một thế giới đầy phức tạp hiện nay, khi xung đột bùng lên cũng là lúc các nguy cơ tiềm ẩn trỗi dậy nhằm phục vụ lợi ích của các thế lực phía sau không dễ nhận biết. Và một khi các bên liên quan không kiểm soát được tình hình thì không chỉ trên đất liền mà các vùng biển nói chung, Biển Đỏ nói riêng sẽ nhanh chóng trở thành nơi nguy hiểm nhất cho tàu thuyền đi lại, thậm chí có thể “đóng băng” tuyến hàng hải quan trọng của thế giới bất cứ lúc nào.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.