Mỹ -Trung hướng về phía trước

.

Ngày 1-1, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi thông điệp chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 45 năm mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là sự khởi đầu đáng mong đợi trong năm mới 2024, đặc biệt trong bối cảnh hai nước nỗ lực khôi phục quan hệ vốn từng có lúc rơi xuống mức thấp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco (Mỹ) vào tháng 11-2023. Ảnh: Reuters
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco (Mỹ) vào tháng 11-2023. Ảnh: Reuters

Thông điệp về sự hòa hợp

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ Mỹ-Trung vốn là “sự kiện lớn” trong lịch sử quan hệ song phương và quốc tế, Đài truyền Trung ương Trung Quốc CCTV dẫn thông điệp của ông Tập Cận Bình kêu gọi hai nước cùng thực hiện hành động thiết thực để thúc đẩy quan hệ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

“Trong 45 năm qua, quan hệ song phương trải qua những thăng trầm nhưng nhìn chung vẫn tiến về phía trước. Lịch sử đã và sẽ tiếp tục chứng minh đầy đủ rằng tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi là con đường đúng đắn để hai nước hòa hợp. Tôi sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Biden để tiếp tục định hướng mối quan hệ này, mang lại lợi ích cho người dân hai nước, đồng thời thúc đẩy hòa bình và phát triển thế giới”, ông Tập Cận Bình khẳng định.

Trong khi đó, theo SCMP, Tổng thống Biden cam kết quản lý mối quan hệ quan trọng này một cách có trách nhiệm, đồng thời mong muốn phát huy những tiến bộ mà những người tiền nhiệm đã đạt được, cũng như có thêm nhiều cuộc gặp gỡ và thảo luận song phương.

Trước đó, tại cuộc gặp hiếm hoi ở Mỹ vào tháng 11-2023, ông Tập Cận Bình và ông Biden cam kết cải thiện liên lạc giữa hai nước để ngăn tình trạng cạnh tranh khỏi xung đột khi cùng thông qua “Tầm nhìn San Francisco”, mở ra tương lai và chỉ ra phương hướng phát triển quan hệ.

“Bắt đầu một hành trình mới”

Ngày 31-12-2023, nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ-Trung, Tân Hoa Xã đăng bài bình luận, trong đó mượn câu nói “Làm việc tốt thì thời điểm nào cũng là tốt” (The time is always right to do what is right) của nhà hoạt động nhân quyền quả cảm người Mỹ gốc Phi Martin Luther King Junior để nhấn mạnh năm 2024 chính là “thời điểm lịch sử” để giúp quan hệ hai nước “bắt đầu một hành trình mới”. Điểm nhấn trong bài bình luận này là nêu bật tầm quan trọng của sức mạnh giao lưu nhân dân làm nền tảng và hợp tác kinh tế, thương mại song phương là điểm tựa cho mối quan hệ này. Trong 45 năm qua, dù đôi khi quan hệ trải qua nhiều thăng trầm nhưng thương mại giữa hai nước tăng từ 2,5 tỷ USD năm 1979 lên mức kỷ lục 690,6 tỷ USD năm 2022.

Tương lai quan hệ Mỹ -Trung sẽ tiếp tục gắn liền với những chuyển động tích cực trong giao lưu nhân dân giữa hai nước, đặc biệt trong cộng đồng doanh nghiệp, học thuật, văn hóa…Đây cũng chính là điều mà ông Tập Cận Bình từng khẳng định: “Nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung nằm ở con người và nguồn sức mạnh nằm ở tình hữu nghị giữa người dân hai nước. Chính điều này đã nhiều lần đưa quan hệ Mỹ-Trung thoát khỏi tình trạng đối đầu và trở lại đúng hướng”. Tại bữa tiệc do các tổ chức thân thiện ở Mỹ tổ chức vào cuối năm 2023, ông Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng mời 50.000 thanh niên Mỹ đến Trung Quốc theo các chương trình trao đổi và học tập trong 5 năm tới để tăng cường trao đổi song phương, đặc biệt là giữa giới trẻ.

Dựa trên nhận định của nhà lãnh đạo Trung Quốc, các học giả kêu gọi thúc đẩy “ngoại giao bóng bàn”, khái niệm ngoại giao hình thành trong quan hệ Mỹ - Trung. Năm 1971, đội tuyển bóng bàn Mỹ trở thành những người Mỹ đầu tiên đến Trung Quốc kể từ năm 1949. Sự kiện cho thấy một quả bóng bàn nhỏ bé đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình xích lại gần nhau giữa hai nước sau hơn hai thập niên xa cách, mở đường để hai bên đồng ý hướng tới bình thường hóa quan hệ sau đó.

Chuyên gia Warwick Powell tại Đại học Công nghệ Queensland cho biết, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, thế hệ trẻ ở Mỹ đã có thái độ tích cực hơn đối với Trung Quốc so với thế hệ đi trước, bởi họ hiểu rằng không có lý do gì mà mọi người từ các nơi khác nhau không thể tìm thấy điểm chung. Những nỗ lực hữu hình này, từng bước một, đã góp phần nuôi dưỡng những hạt giống tình hữu nghị, sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa hai bên. “Càng trao đổi nhiều hơn, dù là về giáo dục, thể thao hay âm nhạc hay bất kỳ hình thức trao đổi nào giữa hai nước... chúng ta có thể phá bỏ các rào cản và mở ra cơ hội giao tiếp phi thường”, Connie Sweeris, vận động viên bóng bàn người Mỹ tham gia chuyến đi “phá băng” tới Trung Quốc năm 1971, bày tỏ.

Trung Quốc nới lỏng chính sách thị thực cho du khách Mỹ
Theo Reuters, bắt đầu từ ngày 1-1, Trung Quốc đơn giản hóa việc xin thị thực cho khách du lịch từ Mỹ, bằng cách cắt giảm các giấy tờ cần thiết. Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm vực dậy ngành du lịch và thúc đẩy kinh tế hậu Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho giao lưu nhân dân với Mỹ. Theo quy định mới, những người xin cấp thị thực du lịch tại Mỹ sẽ không cần phải chứng minh có vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn hoặc phải có thư mời như trước. Động thái này diễn ra sau việc giảm phí thị thực đối với người nộp đơn Mỹ khoảng 25% cho đến ngày 31-12-2024 và quyết định trước đó về cho phép nộp đơn xin thị thực không cần hẹn trước.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.