Cuộc tấn công gây thương vong đầu tiên của Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển hàng hải trên Biển Đỏ không chỉ có nguy cơ tạo thêm vết cắt trên tuyến đường huyết mạch quan trọng đối với thương mại toàn cầu, mà còn mang theo những rủi ro vượt xa căng thẳng hiện nay trên biển.
Tàu chở hàng True Confidence ở Ravenna (Ý) trước khi bị tấn công. Ảnh: Reuters |
Đây là sự việc rất đáng tiếc nhưng không thể tránh khỏi bởi Houthi liều lĩnh tấn công với tần suất ngày càng tăng trong thời gian qua. Tàu chở hàng M/V True Confidence mang cờ Barbados, thuộc sở hữu của Liberia, bốc cháy ngoài khơi cảng Aden của Yemen sau vụ tấn công của Houthi vào ngày 6-3. Theo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, ít nhất 3 thủy thủ thiệt mạng và 4 thủy thủ khác bị thương. Theo CNN, trong tuyên bố ngày 7-3, Bộ Lao động Nhập cư Philippines (DMW) thông báo về cái chết của 2 công dân nước này và cho biết 2 thủy thủ Philippines khác bị thương nặng trong vụ tấn công. Trong khi đó, Houthi viện dẫn lý do tấn công rằng thủy thủ đoàn tàu phớt lờ thông điệp cảnh báo từ lực lượng hải quân Yemen.
Lo ngại về năng lực của Houthi
CNA dẫn lời Tiến sĩ Anas Iqtait, Giảng viên tại Trung tâm Nghiên cứu Arab và Hồi giáo của Đại học Quốc gia Úc, cho biết, đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất kể từ khi Houthi bắt đầu ngăn chặn các tuyến đường vận chuyển quốc tế. Mức độ nghiêm trọng không chỉ ở hậu quả gây thương vong mà còn cho thấy mức độ chính xác ngày càng tăng trong các cuộc tấn công của Houthi, và thực tế này có thể gây ra những mối đe dọa lớn hơn nữa đối với tuyến đường vận chuyển quốc tế quan trọng này. Điều quan trọng cũng cần phải đề cập là các cuộc tấn công của Houthi là một phần của chuỗi căng thẳng rộng lớn hơn đang âm ỉ khắp “chảo lửa” Trung Đông kể từ tháng 10-2023, thời điểm xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza nổ ra. Chuyên gia này nhận định, có mối tương quan giữa tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi ở Gaza và cường độ tấn công do các chủ thể phi nhà nước thực hiện trên toàn khu vực.
CNN dẫn nhận định của nhiều quan chức cho rằng, Mỹ và đồng minh ít nhiều đều có thái độ ngạc nhiên về khả năng tấn công mục tiêu ngày càng chính xác của Houthi và cũng không nắm chắc khối lượng vũ khí mà lực lượng này còn sở hữu. “Chúng tôi biết rằng Houthi duy trì kho vũ khí lớn. Họ có năng lực quân sự cao với vũ khí tinh vi do Iran liên tục cung cấp”, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết vào tuần trước, vài giờ sau khi Houthi bắn tên lửa đạn đạo vào một tàu chở hàng khác ở Vịnh Aden.
Mỹ và đồng minh sẽ đáp trả mạnh hơn?
Theo giới quan sát, vụ tấn công khiến thường dân vô tội thiệt mạng lần này có thể làm gia tăng áp lực lên Mỹ và Anh này phải có hành động quân sự mạnh mẽ hơn với Houthi dẫu trước đó hai nước đồng minh này đã trả đũa các mục tiêu của Houthi bên trong lãnh thổ Yemen kể từ tháng 1-2024. Ngày 5-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nêu rõ lập trường của Mỹ về tiếp tục yêu cầu Houthi chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công vốn không chỉ làm gián đoạn thương mại quốc tế, phá vỡ quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, gây nguy hiểm cho những người đi biển mà giờ đây còn gây thương vong cho họ. Dẫu vậy, hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra phỏng đoán Mỹ có thay đổi cách tiếp cận quân sự của mình về vấn đề Houthi hay không. Theo AP, kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích vào tháng 1-2023, quân đội Mỹ phá hủy hơn 100 tên lửa của Houthi. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được khả năng tiến hành các cuộc tấn công của phiến quân.
Trong khi đó, Houthi nhắc lại rằng, nhóm này ủng hộ người dân Palestine và cho biết họ sẽ không dừng các cuộc tấn công ở Biển Đỏ cho đến khi Israel chấm dứt các hoạt động quân sự gây nguy hại cho thường dân Palestines ở Dải Gaza.
Đến nay, chưa có tàu quân sự nào chịu ảnh hưởng từ máy bay không người lái (UAV) hoặc tên lửa của Houthi, nhưng hơn chục tàu thương mại, trong đó có của Mỹ, bị tấn công trên Biển Đỏ kể từ tháng 10-2023. Hầu hết trong số các vụ tấn công đã bị các tàu khu trục của Mỹ và đồng minh đánh chặn hoặc rơi xuống biển mà không gây thương tích. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cảnh báo: Sự leo thang của cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ có thể sẽ làm tình hình mất an ninh lương thực ở Yemen trở nên tồi tệ hơn vào năm 2024, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo. Sau đó là những cuộc xung đột đang bao trùm toàn Đông Phi.
Iran tịch thu hàng trên tàu Mỹ Theo Mizan Online, vụ tịch thu nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vốn cản trở vận chuyển thuốc vào Iran. Nước cộng hòa Hồi giáo này phải chịu các lệnh trừng phạt kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018. |
THƯ LÊ