EU cấm sản phẩm liên quan lao động cưỡng bức

.

Sử dụng sản phẩm do quá trình lao động cưỡng bức tạo ra là vấn đề được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hết sức quan tâm và thường xuyên đưa ra cảnh báo trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo chung của ILO, Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) và Walk Free, tổ chức nhân quyền toàn cầu, cho thấy, hiện có khoảng 28 triệu người lao động dưới các điều kiện cưỡng bức khác nhau trên thế giới.

ILO cho biết, tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), có tới 880.000 người đang bị cưỡng ép lao động, tương đương tỷ lệ 1,8 người/1.000 dân. Trong số này, có tới 70% bị bóc lột lao động. Đáng chú ý, phụ nữ chiếm tới 58% số nạn nhân bị cưỡng bức lao động, trong đó chủ yếu là công dân EU, Trung và Đông Nam Âu, châu Phi, sau đó là Mỹ Latinh và châu Á. Người trưởng thành và trẻ em cũng bị cưỡng bức tham gia hoạt động kinh tế bất hợp pháp hoặc không chính thức, kể cả ăn xin. Nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và giúp việc nhà là các lĩnh vực chính được phát hiện có nhiều lao động cưỡng bức trong EU. Các nạn nhân thường bị rủ rê thông qua đề nghị việc làm “giả” và phải làm việc trong các điều kiện tồi tệ ngoài sức tưởng tượng.

Để giải quyết vấn đề này, trong nhiều năm qua, EU đã có những quyết sách mạnh mẽ, ban hành lệnh cấm tập trung vào tất cả sản phẩm được làm ra từ lao động cưỡng bức, gồm cả sản phẩm được sản xuất trong khối này để tránh vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WHO) về không phân biệt đối xử. Trong đó, các nước thành viên EU sẽ chịu trách nhiệm phát hiện vi phạm và thực thi lệnh cấm, đồng thời phải trả lời khiếu nại của các tổ chức phi chính phủ, công ty và các tổ chức khác. Họ phải điều tra nếu có khiếu nại và có thể yêu cầu sự hợp tác từ nước sản xuất hàng hóa bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức. Dẫu vậy, các quan chức EU cũng hiểu rằng, có thể khó tìm ra bằng chứng vi phạm liên quan đến lao động cưỡng bức, đặc biệt nếu các nước bị nghi ngờ không hợp tác. Nếu xác định có khả năng cao một sản phẩm cụ thể có sử dụng lao động cưỡng bức, các nước thành viên EU vẫn có quyền thu giữ sản phẩm đó và cấm nhập khẩu.

Trong vài năm trở lại đây, các nước thành viên EU thông qua các đường lối toàn diện và mạnh mẽ hơn để chống lại nạn buôn người. Đặc biệt mới đây, để tạo công cụ pháp lý mạnh mẽ cho toàn khối, ngày 5-3, EU và Nghị viện châu Âu (EP) đạt thỏa thuận tạm thời về cấm nhập khẩu sản phẩm do lao động cưỡng bức sản xuất vào thị trường chung châu Âu. Thỏa thuận làm rõ trách nhiệm của Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên EU trong xác định các công ty sử dụng lao động cưỡng bức và cấm sản phẩm của họ; trong đó, yêu cầu mỗi thành viên trong EU chọn cơ quan thẩm quyền quốc gia chịu trách nhiệm thi hành lệnh cấm, tập trung điều tra các sản phẩm bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào, ngay cả khi một số công đoạn diễn ra bên ngoài EU. Nếu cơ quan có thẩm quyền thấy rằng lao động cưỡng bức đã được sử dụng, họ có thể cấm bán, cấm nhập khẩu hoặc cấm xuất khẩu sản phẩm. Đồng thời có thể có các hình phạt khác, gồm cả tiền phạt, đối với các doanh nghiệp.

Bước đi này của EU được các nhà quan sát đánh giá là quyết liệt nhằm loại bỏ tình trạng sử dụng lao động cưỡng bức ra khỏi đời sống xã hội hiện đại. Đồng thời nó cũng cảnh báo các chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong EU, kể cả các nước bên ngoài khối có các sản phẩm đưa vào thị trường này phải có ngay các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành vi sử dụng lao động cưỡng bức trong sản xuất, buôn bán sản phẩm do lao động cưỡng bức mà có để tránh các rào cản thương mại cũng như biện pháp trừng phạt sắp tới.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.