Trong vài năm gần đây, địa chính trị thế giới biến động phức tạp, xu hướng đa cực, đa trung tâm gia tăng, chuỗi cung ứng “đứt gãy” do xung đột vũ trang và các lệnh trừng phạt lẫn nhau… đặt ra nhiều thách thức cho các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế.
Đáng chú ý, vai trò của Liên Hợp Quốc (LHQ), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an LHQ bị chỉ trích nhiều nhất vì không đủ khả năng giải quyết các xung đột vũ trang hiện nay. Vì thế, tại hội nghị Bộ trưởng Kinh tế và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Brazil vào ngày 28-2, nước chủ nhà nhấn mạnh 3 lĩnh vực ưu tiên gồm cuộc chiến chống bất bình đẳng, đói nghèo; phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng; trong đó nhấn mạnh cải cách thể chế quản trị toàn cầu vốn là nhân tố quyết định để hóa giải các thách thức hiện nay.
Để hướng đến mục tiêu cải cách các thể chế quản trị toàn cầu, Brazil, quốc gia giữ chức Chủ tịch G20 năm 2024, đề xuất tổ chức họp Ngoại trưởng lần thứ hai vào tháng 9-2024. Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira cho biết: “Các thể chế đa phương không được trang bị đầy đủ để đối phó với những thách thức hiện tại. Điều này được chứng minh bằng sự tê liệt không thể chấp nhận của Hội đồng Bảo an trong giải quyết xung đột. Do vậy, G20 có thể là diễn đàn quốc tế quan trọng nhất, nơi các nước có quan điểm đối lập vẫn có thể đối thoại hiệu quả mà không nhất thiết gánh chịu sức nặng của quan điểm cứng nhắc vốn đã ngăn cản sự tiến bộ tại các diễn đàn khác, chẳng hạn như Hội đồng Bảo an LHQ”.
Việc tổ chức hội nghị Ngoại trưởng lần thứ hai trong năm chưa từng có tiền lệ. Brazil muốn kêu gọi sự tham gia của tất cả thành viên G20, cũng như các nước thành viên LHQ, để thúc đẩy đàm phán cải cách thể chế quản trị toàn cầu. Đề xuất này được các đại biểu tham dự hội nghị Ngoại trưởng G20 ủng hộ. Bộ trưởng Kinh tế Brazil - ông Fernando Haddad đề cập những thách thức trong xây dựng G20 toàn diện với tiến bộ về các vấn đề quan trọng như chống đói nghèo và bất bình đẳng, tài trợ cho phát triển bền vững, cải cách quản trị toàn cầu, phân chia của cải công bằng và giải quyết vấn đề nợ kinh niên ở một số quốc gia.
Hiện, các nước nghèo nhất đang phải gánh chịu phí tổn môi trường ngày càng tăng, đồng thời nền kinh tế của các quốc gia này bị đe dọa bởi làn sóng chủ nghĩa bảo hộ. Tình trạng bất bình đẳng và không bền vững rất nghiêm trọng khi 1% số người giàu nhất thế giới sở hữu 43% tài sản của toàn cầu và thải ra lượng carbon tương đương với 2/3 số người nghèo nhất thế giới.
Ở khía cạnh khác, một phần đáng kể thu nhập của các nước nghèo nhất bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch vụ nợ, trong bối cảnh lãi suất sau Covid-19 tăng cao. Di sản của làn sóng toàn cầu hóa vừa qua được đánh dấu bằng việc tìm kiếm khả năng sinh lời tăng lên thông qua chênh lệch giá lao động. Mặc dù hàng triệu người thoát nghèo nhưng tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và tài sản vẫn tăng đáng kể ở nhiều nước.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cải cách thể chế quản trị toàn cầu thì yếu tố hàng đầu là phải bảo đảm hòa bình và an ninh, song điều này đang bị đe dọa nghiêm trọng do tác động của các cuộc xung đột hiện nay không chỉ giữa Nga-Ukraine hay Hamas-Israel, mà còn rất nhiều điểm nóng khác trên đất liền và các vùng biển quan trọng khác cũng có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Thực tế đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo thế giới, các tổ chức quốc tế cùng với các bên liên quan phải tập trung giải quyết những căng thẳng đang diễn ra trên tinh thần đối thoại, hợp tác, cùng hướng tới giá trị chung của nhân loại là vì con người và sự phát triển công bằng, bền vững.
LÊ MINH HÙNG