Mập mờ quanh vụ nghe lén trong quân đội Đức

.

Đức đang khẩn trương làm rõ vụ rò rỉ thông tin mật về việc bàn luận xung đột ở Ukraine, bởi đây không chỉ là đòn giáng đối với các cơ quan mật vụ của nước này mà còn có thể bộc lộ thêm xích mích với các đồng minh trong NATO.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại một đại hội tại Rome (Ý) vào ngày 2-3. Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại một đại hội tại Rome (Ý) vào ngày 2-3. Ảnh: AP

Cuộc điều tra diễn ra sau khi đoạn ghi âm về một hội nghị diễn ra vào ngày 19-2 bất ngờ được đăng trên mạng xã hội, trong đó tiết lộ cuộc thảo luận của các sĩ quan cấp cao Đức về khả năng Ukraine sẽ tấn công một số mục tiêu ở Crimea bằng thiết bị do Đức sản xuất. Nếu cuộc trò chuyện được xác nhận là đã bị bên ngoài thu chặn thì nó có thể đánh dấu một trong những vụ vi phạm an ninh thông tin nghiêm trọng nhất của Đức kể từ Chiến tranh Lạnh.

Thông tin cần được điều tra toàn diện

Vụ rò rỉ chấn động này khởi nguồn từ việc nữ nhà báo Margarita Simonyan, người đứng đầu kênh RT (Nga), đăng đoạn ghi âm dài hơn 38 phút lên Telegram vào ngày 2-3 và khẳng định nội dung đoạn ghi âm tiết lộ các sĩ quan quân đội cấp cao của Đức thảo luận cách thức tấn công các mục tiêu, trong đó có cây cầu huyết mạch kết nối giữa bán đảo Crimea với lục địa Nga. Theo The Telegraph, những người tham gia thảo luận khả năng chuyển giao 50 tên lửa hành trình tầm xa Taurus của có tầm bắn 500km của Đức cho Ukraine để nước này tập kích các mục tiêu của Nga, và cách Anh và Pháp hỗ trợ Ukraine vận hành hệ thống tên lửa tương tự. Ngoài ra, quan chức Đức còn được cho là đã đề cập sự hiện diện của quân nhân nước ngoài ở Ukraine vốn được triển khai để giúp Kiev vận hành vũ khí do phương Tây cung cấp. Bà Simonyan còn tiết lộ, một trong các sĩ quan Đức đề cập chuyến đi dự kiến tới Ukraine vào ngày 21-2 để bàn phối hợp tấn công.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định vụ thông tin mật bị rò rỉ là rất nghiêm trọng và cần phải được điều tra một cách toàn diện, thận trọng và nhanh chóng. Tạp chí điều tra Spiegel (Đức) dẫn lời các chuyên gia cho biết, đoạn ghi âm và bản ghi cuộc trò chuyện bị rò rỉ dường như là xác thực. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đức lại có động thái xoa dịu dư luận khi cho rằng nước này vẫn đang điều tra xem liệu thông tin liên lạc trong khu vực không quân có bị nghe lén hay không và có khả năng nội dung đoạn ghi âm đã bị chỉnh sửa rồi mới tung lên mạng.

Trong khi đó, vụ rò rỉ đã gây phản ứng mạnh mẽ ở Nga khi nước này lâu nay lên án việc phương Tây liên tục chuyển vũ khí tới Ukraine bởi Nga cho rằng hành đồng này chỉ làm leo thang căng thẳng và có thể dẫn đưa các nước NATO trực tiếp tham gia xung đột. Giới chức Nga lưu ý, mọi nỗ lực trốn tránh đưa ra lời giải thích về vụ rò rỉ sẽ bị coi là hành vi tự vạch trần rõ ràng về sự can dự vào xung đột ở Ukraine.

Lời cảnh tỉnh

Vụ công bố đoạn ghi âm làm dấy lên những đồn đoán rộng rãi về thời điểm của nó. Roderich Kiesewetter, chính khách thuộc phe bảo thủ đối lập ở Đức, giả định “cuộc trò chuyện đã được Nga cố tình tiết lộ vào thời điểm này với mục đích cụ thể: gây áp lực ngăn Đức “giao hàng” Taurus cho Ukraine. Hiện, khả năng cung cấp Taurus cho Ukraine là vấn đề gây tranh cãi gay gắt ở Đức. Thủ tướng Scholz nhiều lần từ chối giao thiết bị này cho Ukraine do lo ngại leo thang xung đột và có thể kéo Đức vào cuộc đối đầu với Nga. Đức hiện là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ và đang tăng cường hỗ trợ hơn nữa trong năm nay.

WSJ nhận định vụ rò rỉ sẽ là “lời cảnh tỉnh” đối với cơ quan an ninh Đức. Câu hỏi đặt ra là liệu đây là sự cố nhất thời hay là vấn đề lỗ hổng về an toàn thông tin có hệ thống. Theo tạp chí Der Spiegel, cuộc trò chuyện nhạy cảm lần này của giới quan chức Đức diễn ra trên WebEx, nền tảng trực tuyến không được mã hóa do Mỹ sản xuất, thay vì trên mạng nội bộ bí mật của quân đội Đức. Do đó, sự chủ quan này phần nào dẫn đến vụ rò rỉ “thảm họa” này. Điều đáng nói là các chính trị gia Đức lo ngại vụ công bố bản ghi âm vừa qua có thể chỉ là tài liệu đầu tiên trong một loạt vụ rò rỉ cực kỳ đáng quan ngại đối với Đức. Nhiều khả năng một số cuộc trò chuyện khác chắc chắn đã bị chặn thu và có thể được công bố rải rác trong những ngày tới.

WSJ mô tả việc công bố đoạn ghi âm là “chiến thắng tuyên truyền của Điện Kremlin”; đồng thời lưu ý rằng nó có thể gây lục đục trong mối quan hệ giữa Đức và các đồng minh NATO. Nhận định này càng thêm được củng cố khi TASS đã dẫn lời ông Alexander Rahr, nhà phân tích chính trị người Đức, cho rằng, Anh và Pháp có thể đứng đằng sau vụ việc. Theo ông, đây là vụ rò rỉ do Anh và Pháp sắp đặt như cách phản ứng trước việc Thủ tướng Đức tuyên bố rõ ràng trong những ngày gần đây rằng Đức không muốn can thiệp sâu vào xung đột ở Ukraine và sẽ không có binh lính Đức nào tới Ukraine. Về mức độ nguy hiểm và bí mật của vụ rò rỉ này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ví von nó tương đương với việc lãnh đạo châu Âu đã ngầm thông đồng với nhau rằng sẽ không ai thực hiện các thỏa thuận Minsk.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.