Nga phát triển hệ thống đường sắt nối Trung Quốc

.

Trong bối cảnh giao thương quốc tế thông qua đường biển gặp khó do các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga chủ động “rót” hàng tỷ USD nâng cấp hệ thống đường sắt kết nối với Trung Quốc. Đây là bằng chứng về mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai nước khi thương mại song phương tăng vọt.

Gỡ “nút thắt” hạ tầng đường sắt

Theo Bloomber, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây kêu gọi tăng cường năng lực vận chuyển trên Trans-Siberian và Baikal-Amur Mainline, hai tuyến đường sắt dài nhất của Nga, lên 210 triệu tấn vào năm 2030 từ mức 150,5 triệu tấn vào năm 2023. Theo đó, Chính phủ Nga dự kiến duyệt khoản chi 4 tỷ USD để nâng cấp các cơ sở hạ tầng đường sắt này trong tháng 3-2024. Các tuyến đường sắt này, hay còn được gọi là hệ thống “Đa giác phía Đông”, tạo huyết mạch quan trọng cho hoạt động ngoại thương của Nga, nối các khu vực phía tây của nước này với Thái Bình Dương và Trung Quốc.

Việc Nga đầu tư quy mô lớn vào đường sắt là tầm nhìn hợp lý vào thời điểm các tuyến này từ lâu đối mặt các vấn đề hậu cần và hiện hoạt động dưới mức công suất danh nghĩa, ảnh hưởng hoạt động thương mại vốn đang bùng nổ với châu Á. Nhật báo Kommersant trích dẫn tài liệu từ Bộ Giao thông vận tải Nga cho biết, các tuyến đường sắt vào năm 2023 xử lý hàng hóa ít hơn khoảng 13% so với công suất thiết kế. Những thiếu sót về cơ sở hạ tầng, sự chậm trễ trong việc bốc hàng và mất cân bằng thương mại đều gây ra tình trạng tắc nghẽn, làm hạn chế số lượng vận chuyển. Do đó, nhu cầu vận chuyển hiện tại vẫn cao gấp đôi so với khả năng đáp ứng của các tuyến đường sắt.

Bên cạnh đó, việc chú trọng cải thiện hạ tầng đường sắt cũng có thể là sự tính toán trong bối cảnh giao thương trên tuyến đường biển của Nga càng gặp khó khi các lệnh trừng phạt của phương Tây hạn chế nỗ lực xuất khẩu dầu thô và các mặt hàng khác của nước này.

Thương mại song phương tăng mạnh

Thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc phần nào hỗ trợ kinh tế Nga trụ vững trước lệnh trừng phạt của phương Tây. Tháng 1 và tháng 2-2024, thương mại Nga-Trung đạt 37 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 12,5%. Đây là tín hiệu khả quan tiếp nối mức kỷ lục 240 tỷ USD trong năm 2023. Trung Quốc, nước láng giềng phía đông của Nga, trở thành nhà cung cấp mọi thứ từ quần áo đến máy móc và ô-tô sau cuộc rút lui ồ ạt của các nhà sản xuất phương Tây khỏi thị trường Nga. Trung Quốc xuất khẩu ô-tô sang Nga năm 2023 cao hơn gần bảy lần so với năm 2022, với giá trị xuất khẩu tăng gần 10 tỷ USD. Trong khi đó, Nga tăng cường xuất khẩu các mặt hàng như than và nhôm sang Trung Quốc khi châu Âu tránh xa các công ty khai thác và kim loại của Nga ngay cả khi họ không bị trừng phạt.

Tăng trưởng thương mại trên toàn cầu dự kiến phục hồi lên mức 3,3% vào năm 2024 sau mức giảm 0,8% vào năm 2023. Do đó, việc Trung Quốc sẵn sàng hợp tác kinh doanh với Nga, bất chấp xung đột ở Ukraine, đã mở rộng huyết mạch kinh tế Nga và tạo tâm thế tự tin cho Tổng thống Putin khi ông hướng đến nhiệm kỳ sáu năm nữa trong cuộc bầu cử tổng thống cuối tuần này. Ông George Magnus, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) và hiện là cộng tác viên tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford (Anh), cho biết khối lượng xuất khẩu ngày càng tăng sang Nga chắc chắn là một phần của xu hướng, trong đó thương mại Trung-Nga đang thay thế các mối quan hệ thương mại khác và phản ánh sự hội nhập ngày càng tăng.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.