Trong nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng The New England Journal of Medicine, lần đầu tiên các nhà khoa học chỉ ra mối liên quan giữa tình trạng hạt nhựa kích thước nano (còn gọi là nhựa nano) xâm nhập mạch máu và nguy cơ tăng cao của các bệnh tim mạch.
Cho tới nay các hạt vi nhựa đã được tìm thấy ở Nam Cực hay những nơi được cho là sâu nhất thế giới của Rãnh Mariana, trong máu người, trong sữa mẹ, nước tiểu và trong các mô gan, phổi và cả nhau thai. Ảnh: Getty Images |
Nghiên cứu chỉ ra những người có hạt nhựa siêu nhỏ trong mảng bám bên trong thành động mạch cảnh sẽ có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hay tử vong cao hơn.
Bắt đầu từ ô nhiễm rác nhựa
Những phát hiện rất đáng chú ý này được công bố vào ngày 6-3. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học chỉ ra mối quan hệ giữa những hạt nhựa siêu nhỏ (sản phẩm của tình trạng ô nhiễm rác nhựa đã trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay) với bệnh lý tim mạch. Trong khi hạt vi nhựa (microplastic) được định nghĩa là những hạt có kích thước nhỏ hơn 5mm, thì hạt nhựa nano (nanoplastic) còn có kích thước nhỏ hơn 1 micrometer (1 micrometer = 0,001mm) và chỉ có thể quan sát bằng kính hiển vi chuyên dụng.
Trong những năm gần đây, tình trạng hạt vi nhựa và nhựa nano dường như có mặt khắp nơi là thực tế không thể phủ nhận. Người ta tìm thấy chúng trong tuyết rơi ở Nam Cực, hay ở nơi được cho là sâu nhất trên thế giới là Rãnh Mariana, thậm chí trong máu người, sữa mẹ, trong nước tiểu, và trong mô của phổi, gan, nhau thai. Tiến sĩ Raffaele Marfella, nhà nghiên cứu tim mạch tại Khoa y học tiên tiến và các khoa học phẫu thuật của Đại học Campania Luigi Vanvitelli (Ý), là tác giả chính của nghiên cứu này. Theo NBC News, ông và các đồng nghiệp làm nghiên cứu này để tìm ra các nhân tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch.
Nhận thấy tình trạng ô nhiễm rác nhựa đã làm nhiễm bẩn trái đất những năm qua, họ tự hỏi “liệu rằng nhựa, ở dạng thức vi nhựa hoặc nano, chúng có thể làm hỏng các động mạch của chúng ta không”. Ở trong bất cứ môi trường sống nào bị ô nhiễm rác nhựa, con người đều có thể hít vào hoặc tiêu hóa các hạt nhựa một cách vô thức. Chưa kể nhựa cũng có thể xâm nhập cơ thể người qua da.
Nghiên cứu mang tính mở đường
Để tìm câu trả lời cho thắc mắc đó, nhóm nghiên cứu làm việc với nhóm bệnh nhân phải phẫu thuật để xử lý chứng hẹp động mạch cảnh. Đây là tình trạng hẹp động mạch lớn ở hai bên cổ có nhiệm vụ dẫn máu lên não, mặt và cổ, và thường là hậu quả của quá trình tích tụ các mảng bám trong động mạch (hay còn gọi là xơ vữa động mạch), khiến sự lưu thông máu rất khó khăn.
Nhóm nghiên cứu xem xét các mảng bám được lấy ra từ 257 bệnh nhân và theo dõi sức khỏe của họ trong trung bình 34 tháng sau khi phẫu thuật. Họ đã tìm thấy các hạt nhựa siêu nhỏ, chủ yếu là nhựa nano, trong mảng bám của 150 người bệnh. Các theo dõi tiếp sau đó, số các trường hợp bị đau tim, đột quỵ (nhưng không chết) và số ca tử vong vì mọi nguyên nhân đã được ghi nhận ở 20% số bệnh nhân có nhiễm nhựa nano và ở 7,5% số bệnh nhân không có hạt nhựa trong mảng bám.
Sau khi căn cứ thêm vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính, chỉ số khối cơ thể và các bệnh khác như tiểu đường và cholesterol bất thường, ông Marfella cho biết, những người bệnh nhiễm hạt nhựa siêu nhỏ có “nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn gần gấp 5 lần”.
Trước đó, nhiều nghiên cứu thực nghiệm trên tế bào và trên động vật cho thấy sự có mặt của hạt nhựa làm tăng bệnh trạng. Chẳng hạn, nghiên cứu xuất bản hồi tháng 2-2024 trên tạp chí Journal of Hazardous Materials lần đầu tiên công bố tìm thấy hạt vi nhựa trong động mạch của người.
Giáo sư Dick Vethaak, nhà sinh vật học và cũng là chuyên gia về độc chất học tại Viện Khoa học đánh giá nguy cơ thuộc Đại học Utrecht (Hà Lan), cho rằng, trong khi các nghiên cứu đã có trước đây phát hiện các hạt nhỏ trong mô người mang tính tiêng phong, thì nghiên cứu mới trên The New England Journal of Medicine là “nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này”; “Đó là nghiên cứu đầu tiên xem xét một số lượng lớn người ở mức rất chi tiết như vậy”.
Những điểm còn hạn chế của nghiên cứu Và vì nghiên cứu được tiến hành trên nhóm bệnh nhân rất cụ thể, nên các kết quả của nó không thể áp dụng với quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, nó sẽ giúp mở đường cho nghiên cứu khác trong tương lai, chẳng hạn các nghiên cứu tương tự có thể xem xét vấn đề ở loại mô khác trong cơ thể người. |
TRẦN ĐẮC LUÂN