Với “nước cờ” đi trước nhanh và nhạy, chính phủ Singapore có thỏa thuận biến nước này thành điểm dừng chân duy nhất ở Đông Nam Á trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của siêu sao Taylor Swift (Mỹ). Tuy nhiên, hành động nhằm loại bỏ tính cạnh tranh này khiến các nước láng giềng tỏ ra khó chịu.
Khán giả theo dõi buổi biểu diễn của Taylor Swift tại Sân vận động Quốc gia Singapore ngày 2-3. Ảnh: CAN |
Khán giả quốc tế liên tục đổ về Sân vận động Quốc gia Singapore để thưởng thức các đêm diễn trong chuyến lưu diễn ‘Eras Tour’ của Taylor Swift từ ngày 2 đến 4-3 và ngày 7 đến 9-3 trong lúc làn sóng Swiftonomics lan đến châu Á- Thái Bình Dương. Các buổi biểu diễn không chỉ là sự kiện âm nhạc thuần túy mà còn tạo động lực phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế bản địa. Hiệu ứng này được các chuyên gia kinh tế thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED) ưu ái gọi là “Swiftonomics” (tạm dịch: nền kinh tế Taylor Swift).
Cạnh tranh không lành mạnh?
Ngày 5-3, Sydney Morning Herald dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định thỏa thuận với Taylor Swift để biến đảo quốc sư tử thành điểm dừng chân duy nhất của “Eras Tour” ở Đông Nam Á không phải là động thái không thân thiện với các nước láng giềng, đồng nghĩa sẽ không ảnh hưởng tới tinh thần hợp tác trong khu vực. Ông cho rằng việc một quốc gia thực hiện các thỏa thuận để giúp phát triển kinh tế là hợp lẽ thường theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, và không phải chỉ Singapore mới có bước đi như vậy.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Philippines và Thái Lan chỉ trích Singapore cạnh tranh không lành mạnh khi chỉ muốn hưởng lợi một mình từ hiệu ứng toàn cầu “Swiftonomics”. Đơn cử, một nhà lập pháp Philippines gần đây mô tả “đây không phải hành động một nước láng giềng tốt nên làm”. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin thậm chí dẫn lời một đơn vị tổ chức hòa nhạc cho rằng Singapore dường như đã chi khoản tài trợ 3 triệu USD mỗi đêm diễn với điều kiện nữ ca sĩ không tổ chức thêm đêm nhạc ở bất kỳ nơi nào khác ở Đông Nam Á. Bangkok Post dẫn lời ông Srettha nói: “Nếu tôi biết điều này, tôi đã mang buổi biểu diễn đến Thái Lan”. Tuy nhiên, ngày 4-3, giới chức Singapore cho biết số tiền thực tế không cao như đồn đoán trên mạng.
Việc Singapore “hốt bạc” từ các show diễn của Taylor Swift thu hút sự dõi theo của các nước láng giềng cũng là điều dễ hiểu bởi quốc đảo này “được nhiều hơn mất ”từ sự kiện này. Theo Straight Times, giới chuyên gia kinh tế ước tính, hành trình ‘Eras Tour’ tại Singapore thu về hơn 370 triệu USD doanh thu từ du khác, vượt xa khoản trợ cấp đồn đoán nói trên. Các dịch vụ du lịch được hưởng lợi gồm vé máy bay, điểm lưu trú, ngành dịch vụ thực phẩm và đồ uống, cùng nhiều lĩnh vực bán lẻ khác. Con số này dự kiến còn tăng trong tương lai bởi Singapore đã trở thành đất nước độc quyền “Eras Tour” tại Đông Nam Á.
Singapore hiện là một trong những điểm đến đắt đỏ nhất thế giới và có đồng tiền mạnh thuộc top đầu thế giới nên khó mà thu hút khách du lịch từ những nơi có đồng tiền yếu hơn. Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế ASEAN của Ngân hàng HSBC cho rằng, những hoạt động văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ như vậy có thể đóng góp tới 10% GDP cho quốc đảo sư tử.
Tầm nhìn trung tâm văn hóa của Đông Nam Á
Dù có đồn đoán về số tiền tài trợ “khủng” mà Singapore chi cho các đêm diễn nhưng rõ ràng việc chấp thuận biểu diễn ở nước này chính Taylor Swift mới là người quyết định. Nữ ca sĩ tiết lộ một trong những lý do thôi thúc cô trình diễn tại Singapore bởi mẹ cô từng trải qua thời thơ ấu tại đây và mảnh đấy này luôn chiếm vị trí đặc biệt trong trái tim cô. Để có được cái gật đầu của Taylor Swift, quyết tâm “chi mạnh” phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và tung mức trợ cấp hấp dẫn dương như chưa phải là tất cả bởi giới chức Singapore hết sức nghiêm túc theo đuổi thương vụ lần này với Taylor Swift. Đích thân ông Edwin Tong, Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore, dẫn đầu một phái đoàn quan chức cấp cao sang Los Angeles (Mỹ) “vận động hành lang” để đổi lấy buổi diễn độc quyền của cô.
Bên cạnh mong muốn về lợi ích kinh tế và du lịch, ông Edwin Tong xem xét việc chiêu mộ các nghệ sĩ hạng A quốc tế đến Singapore từ góc độ định vị Singapore là một trung tâm văn hóa ở Đông Nam Á với giá trị chiến lược mạnh mẽ. “Chúng tôi muốn biến Singapore thành nơi mọi người có thể tận hưởng cả về nghệ thuật, văn hóa hay thể thao...”, ông Tong nhấn mạnh. Các chuyên gia cho biết, các buổi biểu diễn lớn như vậy đánh dấu một sự thay đổi đáng kể về sức hấp dẫn của Singapore với vị thế là điểm đến thú vị, đẳng cấp để tham quan, thay vì chỉ là nơi để kinh doanh và tổ chức các sự kiện thương mại như trước đây.
Vẫn có một số ý kiến cho rừng việc Singapore chi tiền để độc quyền “Eras Tour” trong khu vực có thể tạo tiền lệ tranh giành nghệ sĩ sau này, dẫn đến mức giá show diễn liên tục lập đỉnh mới, chi phí tổ chức tăng cao. Dẫu vậy, không thể không thừa nhận rằng tính toán này có thể là bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế, công nghiệp văn hóa trong bối cảnh các nước đón đầu xu thế ngày càng nhiều ngôi sao quốc tế thực hiện các chuyến lưu diễn toàn cầu.
THƯ LÊ