Kế hoạch Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga: NATO chia rẽ

.

Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức nhất trí để Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công địa điểm quân sự bên trong lãnh thổ Nga, nơi mà các tên lửa Nga đã được bắn về phía lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine không được tấn công các địa điểm khác.

Theo Reuters, phát biểu họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhân chuyến thăm Đức ngày 28-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, quyết định trên sẽ không khiến xung đột hiện nay ở Ukraine leo thang. “Chúng ta nên cho phép Ukraine vô hiệu hóa các địa điểm quân sự nơi tên lửa được bắn đi, các địa điểm quân sự mà Ukraine bị tấn công. Nhưng chúng ta không nên cho phép họ tấn công các mục tiêu khác ở Nga và các địa điểm dân sự hoặc quân sự khác ở Nga”, ông Macron nói. Về phần mình, Thủ tướng Scholz cho biết ông cũng nhất trí rằng Ukraine cần được phép tự vệ miễn là Ukraine tôn trọng những điều kiện mà các nước cung cấp vũ khí, gồm cả Mỹ, đặt ra, cũng như luật pháp quốc tế.

Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Nga cảnh báo các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) châu Âu đang “đùa với lửa” khi có đề xuất táo bạo này. Theo RT, phát biểu với các phóng viên khi kết thúc chuyến thăm Uzbekistan, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, những người phương Tây ủng hộ Ukraine cần hiểu rằng các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga bằng cách sử dụng vũ khí mà họ cung cấp sẽ làm sự leo thang xung đột và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí tầm xa sẽ cần sự trợ giúp về vệ tinh, tình báo và quân sự của phương Tây, vì vậy phương Tây sẽ phải trực tiếp tham gia vào các cuộc tấn công như vậy. Do đó, kịch bản phương Tây đưa quân vào Ukraine hay cho phép Ukarine tấn công vào Nga có thể kéo theo xung đột toàn cầu. “Các đại diện của NATO, đặc biệt là ở châu Âu, nên nhận thức họ đang chơi trò gì. Họ thường là quốc gia có lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc. Đó là yếu tố họ nên cân nhắc trước khi đưa ra quyết định”, ông Putin cảnh báo.

Trong khi đó, nội bộ NATO tranh cãi gay gắt về việc cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây để tập kích lãnh thổ Nga. Theo AFP, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước hối thúc các thành viên của liên minh cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine dùng vũ khí phương Tây viện trợ để tập kích Nga. Đến nay, ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của Vương quốc Anh, Cộng hòa Czech, Estonia, Hà Lan và Latvia trong khi Bỉ, Ý và Tây Ban Nha phản đối. Trong khi đó, Mỹ có động thái thận trọng hơn.

TASS dẫn lời Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 28-5 tuyên bố, Mỹ không thay đổi quan điểm rằng Ukraine không nên sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Theo RT, Tổng thống Putin cho rằng, cơ quan hợp pháp duy nhất hiện nay ở Ukraine là Quốc hội; đồng thời nên xem xét kỹ tư cách của ông Zelensky bởi không có điều khoản nào trong Hiến pháp Ukraine nói bất cứ điều gì về việc kéo dài quyền lực của tổng thống.

Quan điểm của phương Tây có dấu hiệu dao động trong bối cảnh Ukraine đang ở thế bất lợi trong cuộc xung đột với Nga. Trước kia, chính quyền Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ không dùng vũ khí viện trợ để tấn công mục tiêu bên ngoài biên giới, thay vào đó, chỉ sử dụng vũ khí nội địa. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, giới chức Ukraine liên tục gây sức ép với các đối tác, hối thúc họ cho phép Kiev tập kích mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.

Trong diễn biến khác, theo The Telegraph, ngày 27-5, Tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết, sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu, ông đã ký các giấy tờ cho phép giảng viên quân sự Pháp đến thăm các trung tâm huấn luyện của Ukraine.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.