Chính phủ Thái Lan đã hoàn tất các bước chuẩn bị để đệ trình hồ sơ đăng ký gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Nếu được thông qua, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập khối do Nga và Trung Quốc dẫn dắt.
Bangkok Post dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết, nội các phê duyệt dự thảo công thư thể hiện ý định của Thái Lan trong việc gia nhập BRICS. Bức thư khẳng định, Thái Lan nhận thức rõ tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển trên trường quốc tế. Tầm nhìn của nước này hoàn toàm phù hợp với các nguyên tắc của BRICS. Do đó, việc trở thành thành viên của “ngôi nhà chung” này sẽ mang lại lợi ích cho Thái Lan về nhiều mặt, bao gồm nâng cao vai trò trên trường quốc tế và tăng cơ hội cùng tạo ra trật tự thế giới mới.
Theo trang Gazeta, BRICS đang ngày càng trở nên hấp dẫn như nền tảng mới cho ngoại giao và tài trợ phát triển. Nhiều quốc gia, đặc biệt những nước ở châu Phi, coi đây là tổ chức có thể thách thức cấu trúc quản trị toàn cầu do Mỹ và phương Tây nói chung chi phối. Việc 4 quốc gia Ai Cập, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iran và Ethiopia gia nhập BRICS từ đầu năm 2024 tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế và sức hút ngày càng lớn của khối. Về kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm đạt khoảng 18.600 tỷ USD, gần bằng ¼ tổng GDP toàn cầu vào năm 2022. Với sự tham gia của các thành viên mới, dự báo GDP của BRICS sẽ vượt GDP của Nhóm cacs nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và khoảng cách này sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều nước mong muốn gia nhập BRICS trong thời gian tới. Theo đó, GDP của BRICS mở rộng tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ vào khoảng 65.000 tỷ USD, đưa tỷ trọng của khối trong GDP toàn cầu lên 37%. Trong khi đó, tỷ trọng GDP của nhóm G7 hiện ở mức khoảng 29,9%. Ngoài ra, các quốc gia thuộc BRICS sẽ chiếm gần một nửa sản lượng lương thực toàn cầu BRICS mở rộng sẽ chiếm khoảng 38,3% sản lượng công nghiệp toàn cầu, so với 30,5% của G7.
Gazeta dẫn lời chuyên gia phân tích chính trị Kirill Kotkov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông (Nga), nhận định Thái Lan hưởng lợi từ việc trở thành thành viên BRICS, điều này giúp gia tăng khối lượng thương mại và thu hút nhiều khách du lịch đến quốc gia này. Trong số các thành viên chủ chốt của BRICS, Trung Quốc là đối tác lớn, truyền thống của Thái Lan nói riêng, các nước ASEAN nói chung; trong khi quan hệ Nga - Thái Lan vẫn đang được duy trì ở mức độ cao. Hơn nữa, Thái Lan luôn là điểm đến du lịch rất được người dân Nga ưa chuộng. Theo báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương tháng 4-2024 của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế Thái Lan đang đối mặt với một số thách thức trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất chịu ảnh hưởng từ nhu cầu bên ngoài yếu và đầu tư công chậm lại do trì hoãn thông qua dự thảo ngân sách tài chính. WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan ở mức 2,8% trong năm 2024, thay vì mức dự báo 3,2% trước đó. Trước xu hướng giảm tốc kinh tế, Chính phủ Thái Lan cần phải đưa ra những giải pháp kích cầu mới, mà việc gia nhập BRICS sẽ tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.
TASS nhận định, việc gia nhập BRICS là điều cần thiết đối với Thái Lan do vai trò của đồng USD và đồng Euro trong nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Chính phủ Thái Lan nhận thức rõ xu hướng này và đã có những bước đi nhằm chuẩn bị gia nhập BRICS. Điều này được thể hiện qua việc Ngân hàng Trung ương Thái Lan tăng cường dự trữ vàng và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại với Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN khác.
HÙNG LÂM