Châu Á đón đầu cơ hội "kinh tế bạc"

.

Tiếp theo châu Âu và Mỹ, châu Á đang trên đường trở thành “lục địa già” đúng nghĩa về dân số, đặc biệt là ở Đông Á. Đó là lý do tại sao nền “kinh tế bạc” không ngừng phát triển tại châu lục này.

Những người già được chăm sóc tại trung tâm của St Luke’s Eldercare ( Singapore).  Ảnh: GIVE.Asia
Những người già được chăm sóc tại trung tâm của St Luke’s Eldercare (Singapore). Ảnh: GIVE.Asia

“Nền kinh tế bạc” là thuật ngữ chung gồm loạt hoạt động kinh tế nhằm cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho người cao tuổi - những người có đặc điểm chung là “mái tóc bạc”. Đặc điểm của nền kinh tế bạc bao gồm nhóm người tiêu dùng lớn tuổi có sức mua tương đối ổn định, khả năng phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu cụ thể của người cao tuổi và ứng dụng công nghệ như thiết bị theo dõi sức khỏe để cải thiện sức khỏe người cao tuổi. Do đó, “kinh tế bạc” có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng tổng thể.

“Làn sóng bạc” gia tăng

World Data Lab dẫn số liệu thống kê dân số năm 2023 của loạt nước châu Á báo động tình trạng tỷ lệ sinh tiếp tục giảm và đang ở mức thấp kỷ lục, cho thấy xu hướng già hóa diễn ra ngày càng nhanh tại châu lục đông dân nhất thế giới. Đây là câu chuyện chung của nhiều quốc gia, từ những nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến những nước đang phát triển như Thái Lan.

Ước tính nhóm người trên 60 tuổi của châu Á hiện khoảng 642 triệu người, gấp 3,5 lần so với châu Âu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo, 16% dân số châu Á sẽ ở độ tuổi trên 65 vào năm 2040. Năm 2023, khoảng 13,5% (190 triệu) dân số Trung Quốc và 29,1% (36,23 triệu) dân số Nhật Bản ở độ tuổi từ 65 trở lên, đồng nghĩa Nhật Bản đã là xã hội siêu già và Trung Quốc sớm trở thành một xã hội già đi nhanh chóng.

Tương tự, theo China Daily, dân số Singapore cũng đang già đi nhanh chóng. Đến năm 2030, cứ 4 người dân Singapore thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên. Trong khi đó, nghiên cứu từ Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan ước tính, đến năm 2029, quốc gia này sẽ gia nhập danh sách các xã hội siêu già hóa với hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, dân số già đồng nghĩa với lực lượng lao động bị thu hẹp. Điều này tác động đến việc lập kế hoạch nhân lực nhưng cũng mở ra tia hy vọng về kinh doanh, đầu tư sắp tới.

Biến thách thức thành cơ hội

Trong xu hướng già hóa không thể đảo ngược, các nước châu Á đang nỗ lực tìm cách thích ứng, đón nhận chuyển biến mới về nhân khẩu, trong đó xem người cao tuổi được coi là động lực thay vì gánh nặng, qua đó tận dụng triệt để những cơ hội mà xu hướng này mang lại. Theo Enterprise Singapore, tại Châu Á - Thái Bình Dương, thị trường “kinh tế bạc” được dự đoán trị giá 4.600 tỷ USD vào năm 2025, phục vụ 600 triệu người cao tuổi trên 60 tuổi. Đến năm 2030, tổng sức chi tiêu hàng năm của những người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á dự kiến ​​tăng 103% lên khoảng 8.600 tỷ USD, trong khi số người trong độ tuổi này dự kiến ​​sẽ tăng 40% lên hơn 900 triệu. Những người cao tuổi này sẽ có trình độ học vấn cao hơn, giàu có hơn và hiểu biết về công nghệ hơn thế hệ cha mẹ họ, có thể sử dụng điện thoại thông minh để truy cập internet để tìm thông tin, mua sắm trực tuyến hoặc kết nối với những người khác trên mạng xã hội. Để thu hút những người này, các doanh nghiệp cần có giải pháp sáng tạo phù hợp với nguyện vọng về lối sống và mục tiêu chăm sóc sức khỏe của họ sẽ có cơ hội thành công cao hơn.

Theo China Daily, trong một xã hội siêu già như Nhật Bản, nền “kinh tế bạc” có thể được coi là chìa khóa cho sự tăng trưởng ổn định. Kinh nghiệm của nước này là phải bảo đảm nền “kinh tế bạc” bao trùm tất cả lĩnh vực để có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng và cụ thể của người cao tuổi, coi đây là người tiêu dùng tiềm năng. Nhiều công ty ở nước này đã chuyển hướng kinh doanh hướng tới đối tượng khách hàng lớn tuổi, trong đó có hãng Panasonic sản xuất chiếc gậy thông minh hỗ trợ giữ thăng bằng và gửi cảnh báo nếu người dùng bị ngã.

Trong khi đó, tại Singapore, khi độ tuổi dân số trung bình tăng lên, cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch cho người cao tuổi cũng tăng theo. Chẳng hạn, St Luke’s Eldercare, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng điều hành 23 trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Singapore, tuyên bố giải quyết thành công hai vấn đề cấp bách trong chăm sóc người cao tuổi: đó là tình trạng té ngã ở người cao tuổi và việc người cao tuổi không tuân thủ chế độ dùng thuốc theo quy định. Trên website của Aging Asia, bà Janice Chia, nhà sáng lập của tổ chức này, nhận định thế hệ baby boomer (người sinh ra từ năm 1945 đến 1964) hiện vẫn là phân khúc thị trường mục tiêu chính của các doanh nghiệp bạc trong một hoặc hai thập kỷ tới. Thói quen tiêu dùng của người lớn tuổi chắc chắn quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp trên thị trường bạc. Họ đã đầu tư nhiều cho con cái hơn so với các thế hệ trước và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho bản thân cũng như những trải nghiệm mới.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.