Dù Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua nghị quyết ủng hộ kế hoạch hòa bình cho dải Gaza của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhưng con đường đi đến mục tiêu này còn nhiều chông gai phía trước.
Theo Reuters, ngày 10-6, với 14 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 1 phiếu trắng của Nga, Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủng hộ kế hoạch của ông Biden về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và thả con tin ở dải Gaza. Kế hoạch này gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên kéo dài trong 6 tuần sẽ gồm lệnh ngừng bắn đầy đủ và hoàn chỉnh, cũng như việc tiến hành trao trả con tin. Giai đoạn thứ hai chưa xác định độ dài, trong đó Israel và Hamas sẽ đàm phán các điều khoản về chấm dứt vĩnh viễn hành động thù địch, lệnh ngừng bắn sẽ tiếp tục được gia hạn cho đến khi quá trình đối thoại kết thúc. Giai đoạn cuối tập trung kế hoạch tái thiết quy mô lớn cho Gaza. Cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt khi Hội đồng Bảo an hiện cùng với các cơ quan lớn khác trên toàn cầu lên tiếng ủng hộ kế hoạch này, làm tăng áp lực quốc tế lên cả Hamas và Israel để chấm dứt xung đột.
Trong khi Hamas hoan nghênh bước đi của Hội đồng Bảo an và tuyên bố sẵn sàng tham gia đàm phán để thực hiện biện pháp đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua thì đại diện của Nga và Trung Quốc lại tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch này. Theo TASS, đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng, kế hoạch hòa bình cho Gaza theo đề xuất của Mỹ vẫn chỉ nằm trên giấy và chưa có gì bảo đảm các thoả thuận sẽ được thực hiện bởi không tính đến cảm nhận và mong muốn của chính những người trong cuộc là Israel và Hamas. Cùng quan điểm này, đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Trương Quân cho rằng, nghị quyết của Hội đồng Bảo an còn mơ hồ ở nhiều điểm. “Trung Quốc thể hiện sự lo ngại về việc liệu các bên có đạt được thỏa thuận hay không và liệu cả ba giai đoạn của thỏa thuận có thể được thực hiện mà không gặp bất kỳ trục trặc nào hay không?”, ông Trương Quân bày tỏ nghi vấn.
Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Biden không nhận được ủng hộ ngay trong chính liên minh cầm quyền của Thủ tướng Isarel Netanyahu. Ông Netanyahu nhiều lần nhấn mạnh rằng, cuộc chiến với Hamas sẽ chỉ kết thúc sau khi nhóm này bị tiêu diệt hoàn toàn, tất cả con tin được giải thoát và bảo đảm Gaza không còn là mối đe dọa đối với Israel.
Đáng chú ý, ngày 9-6, Bộ trưởng Nội các thời chiến Israel Benny Gantz tuyên bố từ chức, cáo buộc Thủ tướng Netanyahu đặt các toan tính chính trị cá nhân lên trên chiến lược thời hậu chiến của Israel tại Gaza, dẫn đến việc trì hoãn đưa ra các quyết định quan trọng. Động thái này có thể không gây ra mối đe dọa đối với ông Netanyahu ngay lập tức bởi ông vẫn kiểm soát liên minh đa số trong Quốc hội, song ông có khả năng phải phụ thuộc nhiều hơn vào các đồng minh cực hữu, những người phản đối mạnh mẽ đề xuất ngừng bắn của ông Biden.
Cho đến nay, Mỹ là quốc gia tích cực nhất trong việc thúc đẩy hòa bình ở Gaza. Điều này được thể hiện qua chuyến thăm Israel ngày 10-6 của Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhằm thuyết phục các quan chức nước này chấp nhận đề xuất ngừng bắn do Mỹ vạch ra. Theo AP, chuyên gia chính trị người Israel Michael Pellivert nhận định, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, những nỗ lực của ông Biden nhằm thông qua kế hoạch hòa bình cho Gaza sẽ là điểm nhấn quan trọng trước thềm sự kiện quan trọng này. Trong khi đó, dù không hoàn toàn phản đối kế hoạch của ông Biden nhưng Thủ tướng Netanyahu buộc phải cân nhắc đến quan điểm, lập trường của các đồng minh cánh hữu, để bảo đảm quyền lực chính trị của mình. Theo chuyên gia Pellivert, kịch bản bầu cử sớm ở Israel nhiều khả năng sẽ xảy ra, vì chính phủ hiện tại của nước này đang trên đà chia rẽ, sẽ không thể tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn, đồng thời cũng không dễ dàng chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Hamas để đi tới thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, mang lại hòa bình cho Gaza.
HÙNG LÂM