Theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu - GLOBOCAN, bệnh ung thư đã và đang đe dọa đến mạng sống của hàng chục triệu con người toàn cầu. Uớc tính có khoảng 19,9 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong toàn cầu trong năm 2022 so với con số 14,1 triệu ca vào năm 2012. Do vậy, việc nghiên cứu, điều trị căn bệnh nguy hiểm này đang là sự quan tâm đặt biệt của các tổ chức quốc tế, các chính phủ và giới khoa học.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 6 loại vắc-xin được cấp phép sử dụng như vắc-xin chống virus u nhú ở người (HPV) gây ra nhiều bệnh ung thư, cũng như vắc-xin chống viêm gan B (HBV) vốn có thể dẫn đến ung thư gan… Một số quốc gia và công ty đang nghiên cứu nhiều loại vắc-xin ung thư khác nhau. Năm ngoái, Chính phủ Anh ký thỏa thuận với BioNTech có trụ sở tại Đức để triển khai thử nghiệm lâm sàng cung cấp “phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa”, nhằm tiếp cận 10.000 bệnh nhân vào năm 2030. Các công ty dược phẩm Moderna và Merck&Co cũng đang phát triển loại vắc-xin ung thư thử nghiệm ở giai đoạn giữa nghiên cứu cho thấy nguy cơ tái phát hoặc tử vong do khối u ác tính - loại ung thư da nguy hiểm nhất - giảm một nửa sau 3 năm điều trị.
Đối với Nga, việc nghiên cứu điều trị được chính phủ và các nhà khoa học nước này hết sức quan tâm. Tại diễn đàn về công nghệ tương lai ở Moscow vào tháng 2-2024, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, các nhà khoa học của nước này đã tiến rất gần đến việc tạo ra vắc-xin chống ung thư và thuốc điều hòa miễn dịch thế hệ mới; đồng thời hy vọng chúng sẽ sớm được sử dụng hiệu quả như các phương pháp trị liệu cá nhân
. Ông Putin ca ngợi những tiến bộ y tế về điều trị ung thư khi cho rằng: “Thậm chí cách đây không lâu, chúng ta chỉ có thể đọc về những điều như vậy trong các tác phẩm viễn tưởng, giả tưởng. Nhưng ngày nay, tất cả điều này đang trở thành hiện thực khi đang trên đà phát triển và dự kiến sẽ tạo ra cuộc cách mạng thực sự trong y học trong tương lai gần”. Tin tức được ông Putin đưa ra ngay lập tức đón nhận rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Dư luận cho rằng, để thấy rõ thành tích vô cùng đặc biệt mà các nhà khoa học Nga đang tạo ra, cần hiểu được lý do tại sao việc phát triển vắc-xin ngừa ung thư lại khó khăn đến vậy.
Không dừng lại ở đó, bên lề diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) mới đây, giới chức Nga cập nhật tiến độ phát triển vắc-xin dùng cho bất cứ loại ung thư nào. Ngày 9-6, TASS dẫn thông tin từ Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết: “Vắc-xin ung thư đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng và chúng tôi hy vọng sẽ nhận kết quả đầu tiên vào cuối năm nay, sau đó sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng”. Vắc-xin này được phát triển chung bởi Viện nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya, Trung tâm ung thư Blokhin và Viện nghiên cứu ung thư Hertsen.
Trước đó, Gazeta.ru dẫn lời ông Aleksandr Gintsbur, người đứng đầu Viện Gamaleya, lưu ý đây là loại vắc-xin điều trị, sẽ được tiêm cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Nó được tạo ra trên cơ sở công nghệ mRNA, vốn được các nhà sản xuất thuốc Pfizer và Moderna sử dụng để sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo, số người mắc ung thư toàn cầu sẽ tăng mạnh vào năm 2050 với khoảng 35 triệu ca. Xu hướng gia tăng này đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với các nước trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe toàn dân. Do vậy, việc tạo ra vắc-xin để ngăn ngừa cho tất cả các loại ung thư sẽ là bước đột phá trong y học để cứu sống hàng triệu người và giảm gánh nặng cho nền kinh tế sẽ được xem là thành tựu mang dấu ấn đặc biệt trong thế kỷ 21 này.
LÊ MINH HÙNG