4 nước châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược của NATO

.

Kế hoạch của Mỹ về thể chế hóa khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhóm IP4 (các nước ở châu Á - Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) nhằm ứng phó hiệu quả hơn trước các mối đe dọa chung.

Lãnh đạo các nước thuộc IP4 gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington (Mỹ). Ảnh: Yonhap
Lãnh đạo các nước thuộc IP4 gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington (Mỹ). Ảnh: Yonhap

IP4 được xem là cầu nối NATO và châu Á-Thái Bình Dương. Cái bắt tay với IP4 càng cho thấy NATO, với vai trò đầu tàu của Mỹ, không ngừng mở rộng sự hiện diện ở khu vực chiến lược. Điều này càng cho thấy Mỹ đã linh động chuyển đổi “mô hình bánh xe và nan hoa” (tức Mỹ sẽ ở vị trí trung tâm và xung quanh là các mối quan hệ đồng minh song phương riêng rẽ”) sang “chiến lược hội tụ mới” tập hợp các nước xung quanh nguyên tắc và giá trị chung để đối phó mối đe dọa và thách thức chung. Động thái này cũng nhằm bảo đảm chính quyền Mỹ trong tương lai không thể đảo ngược thỏa thuận, đặc biệt sự thất vọng ngày càng tăng đối với các liên minh khác do Mỹ dẫn đầu như nhóm “bộ tứ kim cương” QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ).

Yếu tố tác động thể chế hóa hợp tác

SCMP dẫn lời Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức tư vấn RAND (Mỹ), cho biết, tính khả thi của việc thể chế hóa hợp tác IP4-NATO sẽ còn phụ thuộc vào kết quả xung đột ở Ukraine, mức độ gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024. Bình luận này được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo IP4 tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO năm thứ ba liên tiếp gần đây tại Washington (Mỹ). Sự kiện này được coi là bước tiến lớn được thực hiện bởi liên minh quân sự 75 năm tuổi của các nước châu Âu và Bắc Mỹ nhằm củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác Thái Bình Dương trước các mối đe dọa an ninh chung. Liên minh này cũng tái khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rất quan trọng đối với họ, đồng thời cam kết hợp tác sâu sắc hơn với các đối tác IP4 về các mối quan ngại an ninh chung liên quan Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc NATO tìm kiếm mối an ninh gây bất lợi cho các nước khác và yêu cầu khối này đừng mang đến sự hỗn loạn tương tự cho châu Á.

Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul (Hàn Quốc), cho biết, hợp tác NATO-IP4 đang bắt đầu được thể chế hóa thông qua các cuộc họp thường xuyên, các tuyên bố chính sách phối hợp và các thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng tương tác. Ông nói: “Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á đang tìm cách hợp tác nhiều hơn vì các mối đe dọa khu vực đối với trật tự quốc tế ngày càng liên kết với nhau”.

Mục tiêu chiến lược của NATO

SCMP dẫn lời  Stephen Nagy, Giáo sư chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo quốc tế ở Tokyo (Nhật Bản), cho biết, việc thể chế hóa quan hệ IP4 - NATO là nỗ lực của chính quyền Mỹ hiện tại nhằm bảo đảm rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể đảo ngược sự hợp tác này nếu ông trở lại Nhà Trắng năm nay. Thực tế, trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump từ năm 2017 đến năm 2021, chính quyền của ông áp dụng chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc phải tăng gấp nhiều lần chi phí hàng năm để duy trì lực lượng Mỹ ở các nước này.

Ngược lại, các nước IP4 quan tâm đến việc thể chế hóa hợp tác với NATO vì họ hiểu rằng, xung đột ở một nơi nào đó trên thế giới không thể tách rời khỏi các cuộc xung đột tiềm tàng ở các khu vực khác. Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand sẽ tiếp tục đầu tư các nguồn lực ngoại giao và các nguồn lực khác để thể chế hóa IP4 của riêng họ, hướng đến sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia này trong lĩnh vực an ninh mạng, thông tin sai lệch và công nghệ mới nổi.

Về phản ứng của Trung Quốc trước động lực thể chế hóa NATO-IP4, ông Nagy nhận định, nước này có khả năng tăng cường hợp tác với Nga, Iran, Triều Tiên và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), đặc biệt là trong huấn luyện quân sự chung. Đơn cử, Trung Quốc và Belarus - quốc gia gia nhập SCO gần đây - đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung phía tây nam Belarus. Việc thể chế hóa IP4 không có nghĩa là một “liên minh” mới gồm IP4 và NATO vì khối Mỹ-châu Âu này vốn bị giới hạn về mặt địa lý bởi điều lệ của họ, bao gồm cả việc hạn chế tham gia vào bất kỳ xung đột ở châu Âu.

Cũng theo SCMP, Geoffrey Miller, nhà phân tích quốc tế của Đại học Victoria ở Wellington (New Zealand), nhận định, IP4 được thúc đẩy bởi lo ngại ngày càng tăng về những hạn chế của QUAD. Dù “bộ tứ” này thu hút sự chú ý lớn trong những tháng đầu nhưng sau đó nhanh chóng mờ nhạt. Tiến trình của QUAD rõ ràng bị cản trở bởi các ưu tiên cạnh tranh của Ấn Độ và quan hệ giữa nước này với Mỹ vẫn chưa đủ sâu sắc.

IP4 tăng cường hợp tác với NATO thông qua Chương trình hợp tác được điều chỉnh riêng cho từng đối tác (ITPP). ITPP của NATO bao gồm các kế hoạch hợp tác toàn diện giữa khối và từng quốc gia IP4 trong vòng 4 năm. Trong trường hợp của New Zealand, ITPP kiên quyết tránh đề cập đến Trung Quốc do đây là đối với đối tác thương mại lớn nhất của họ. “Khi sự hợp tác giữa IP4 và NATO trở nên cụ thể hơn, lâu dài hơn và nhắm mục tiêu rõ ràng hơn vào Trung Quốc, thì New Zealand và các quốc gia IP4 khác sẽ có nhiều khả năng cảm nhận sự đáp trả cứng rắn hơn của Trung Quốc”, ông Miller nhận định.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.