Theo báo cáo “Asian Development Outlook” (Triển vọng phát triển châu Á) công bố ngày 17-7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra những nhận định lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á đang phát triển, trong đó Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng.
Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu khu vực Nam Á với tốc độ tăng trưởng 7,8% trong quý 1-2024. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Ấn Độ. Ảnh: Forbes India |
Dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm 2024 được ADB điều chỉnh nâng nhẹ lên mức 5,0%, trong khi dự báo cho năm 2025 vẫn giữ nguyên ở mức 4,9%. Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế tại khu vực này tăng tốc trong quý 1-2024, được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ và sự gia tăng xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực điện tử.
Nikkei Asia dẫn báo cáo của ADB cho biết, dự báo tăng trưởng của Đông Á trong năm 2024 được điều chỉnh tăng lên 4,6% nhờ xuất khẩu mạnh mẽ các mặt hàng bán dẫn và những sản phẩm khác được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Dù vậy, dự báo cho năm 2025 của khu vực này vẫn giữ nguyên ở mức 4,2%. Đáng chú ý, trong quý 1-2024, GDP của Trung Quốc tăng 5,3% nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh, hoạt động công nghiệp gia tăng, cộng thêm sự phục hồi của xuất khẩu ô-tô và điện tử.
Với khu vực Nam Á, dự báo mới nhất của ADB vẫn ổn định ở mức 6,3% cho năm 2024 nhưng có giảm nhẹ xuống 6,5% cho năm 2025. Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu khu vực này với tốc độ tăng trưởng 7,8% trong quý 1-2024, dù đã giảm so với các quý trước nhưng vẫn là mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Trong khi đó, dù đã có một số thay đổi ở các nền kinh tế riêng lẻ, song dự báo tăng trưởng cho toàn khu vực Đông Nam Á vẫn giữ nguyên ở mức 4,6% trong năm 2024 và 4,7% trong năm 2025. Mặc dù nhu cầu nội địa tiếp tục mạnh mẽ, song do tăng trưởng xuất khẩu tương đối khiêm tốn và nhập khẩu cao nên tăng trưởng chung của khu vực này vẫn không cao.
Điểm sáng trong báo cáo của ADB là tình hình nợ công và lạm phát đều giảm. Theo đó, tỷ lệ nợ công trên GDP của châu Á dự kiến khoảng 47% trong năm nay, thấp hơn một chút so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, một số quốc gia có rủi ro cao vẫn sẽ đối mặt với tình hình khó khăn dù đã có sự cải thiện dần. Trong khi đó, lạm phát toàn phần ở châu Á dự kiến tiếp tục giảm từ mức 3,3% năm ngoái xuống còn 2,9% trong năm nay và sẽ ổn định ở mức 3,0% trong năm tới. Lạm phát lõi cũng giảm, nhưng vẫn ở mức cao tại Hàn Quốc, Mông Cổ, và Đài Loan (Trung Quốc).
Nhìn chung, báo cáo của ADB “vẽ” bức tranh lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á đang phát triển, với các yếu tố hỗ trợ chính bao gồm nhu cầu nội địa mạnh mẽ và xuất khẩu khởi sắc, đặc biệt là lĩnh vực điện tử. Dù lạc quan, song triển vọng kinh tế vẫn đối mặt nhiều rủi ro, bao gồm căng thẳng địa chính trị leo thang, phân mảnh thương mại, bất ổn thị trường bất động sản tại Trung Quốc và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, sự không chắc chắn về kết quả bầu cử tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, các nước châu Âu… cũng là các nhân tố có thể ảnh hưởng tăng trưởng của châu Á. Do đó, các rủi ro tiềm ẩn này cần được theo dõi chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển bền vững của toàn bộ khu vực.
Kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi mạnh mẽ Năm 2024, lĩnh vực điện tử tiếp tục là điểm sáng khi nhu cầu toàn cầu đối với chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác tăng mạnh. Ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt lắp ráp và đóng gói các mạch tích hợp, hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ của ngành bán dẫn. Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 54,7 điểm vào tháng 6-2024 cũng cho thấy hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục mở rộng, qua đó phản ánh sự tăng trưởng rộng khắp trong các lĩnh vực sản xuất, củng cố thêm sự phục hồi kinh tế. ADB nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ nhờ vào sự kết hợp của các yếu tố hỗ trợ trong nước và quốc tế. Dự báo tăng trưởng kinh tế ổn định và những chính sách tài chính linh hoạt sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn cần cảnh giác với những bất định từ triển vọng kinh tế toàn cầu để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp. |
TRẦN ĐẮC LUÂN