Cán cân quyền lực ở Pháp sắp thay đổi?

.

Phe cực hữu ở Pháp đã giành chiến thắng vòng đầu tiên trong kỳ bầu cử Quốc hội, trong khi liên minh của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron xếp thứ ba, báo hiệu chặng đường khó khăn phía trước với ông.

Bà Marine Le Pen, cựu Chủ tịch đảng RN, bỏ phiếu tại Henin Beaumont, ngày 30-6 năm 2024. Ảnh: Reuters
Bà Marine Le Pen, cựu Chủ tịch đảng RN, bỏ phiếu tại Henin Beaumont, ngày 30-6 năm 2024. Ảnh: Reuters

Nếu phe cực hữu chiến thắng lịch sử sau vòng bỏ phiếu lần hai sắp tới, điều này sẽ mở ra cánh cửa quyền lực cho phe cực hữu tại Pháp lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2. Nước Pháp sẽ ở trong tình trạng Tổng thống và Chính phủ đến từ hai lực lượng chính trị đối lập. Ông Macron vẫn sẽ có quyền lực trong vấn đề đối ngoại và an ninh, nhưng ảnh hưởng liên quan đến đối nội sẽ suy giảm đáng kể.

Theo AFP, ngày 1-7, Bộ Nội vụ Pháp thông báo kết quả chính thức, cho thấy đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen cùng các đồng minh giành được 33% phiếu bầu, Mặt trận Bình dân Mới (NFP) theo xu hướng cánh tả giành được 28%, còn liên minh trung dung cầm quyền của Tổng thống Macron xếp thứ ba với 20% phiếu bầu. Kết quả này nhìn chung tương đồng với dự báo ngày 30-6 của các công ty thăm dò ý kiến lớn bởi họ cho rằng RN sẽ giành được đa số trong 577 ghế của Quốc hội Pháp vào vòng bầu cử thứ hai, dự kiến diễn ra vào ngày 7-7. Tuy nhiên, chưa rõ đảng này có thể giành 289 ghế cần thiết để chiếm đa số tuyệt đối hay không, điều kiện cần thiết để họ chắc chắn cầm quyền và Jordan Bardella (28 tuổi) trở thành Thủ tướng Pháp.

Đây là cuộc bỏ phiếu vốn do ông Macron yêu cầu được cho là mang tính lịch sử vì lần đầu tiên dưới nền Cộng hòa thứ V, liên minh đảng cầm quyền cũng như phe cánh tả và cánh hữu được dự báo là không đủ khả năng để ngăn chặn đảng cực hữu RN giành được đa số phiếu. Còn các nhà quan sát chính trị coi đây là bước đi “được ăn cả, ngã về không” vì nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ hai của ông Macron.

Theo Reuters, đúng như dự báo trước bầu cử, tỷ lệ cử tri đi bầu cử ở mức rất cao, lên tới 69,7% so 47,51% vào năm 2022 và cao nhất kể từ năm 1981 (70,7%).  Theo AFP, phát biểu ngay sau khi có kết quả sơ bộ vòng 1, Tổng thống Macron cho rằng tỷ lệ đi bầu cao cho thấy tầm quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội đối với tất cả cử tri Pháp với mong muốn làm rõ tình hình chính trị của đất nước. Ông kêu gọi cử tri ủng hộ liên minh cầm quyền để bảo vệ nền dân chủ, ngăn chặn nguy cơ nắm quyền của đảng cực hữu RN tại Quốc hội.

Chủ tịch đảng Tập hợp quốc gia Jordan Bardella cho rằng với kết quả vòng 1 của cuộc bầu cử đã “khẳng định khát vọng rõ ràng về sự thay đổi” của người dân Pháp. Ông Bardella cũng kêu gọi cử tri “tiếp tục huy động trong nỗ lực cuối cùng” tại vòng 2 và coi đó sẽ là “một trong những cuộc bỏ phiếu quyết định nhất trong toàn bộ lịch sử của nền Cộng hòa thứ V”. Đại diện một số đảng cánh tả cũng kêu gọi cử tri bỏ phiếu ngăn chặn “cơn lốc” của đảng cực hữu RN.

Ông Olivier Faure thuộc đảng Xã hội cho rằng Tổng thống Macron và lãnh đạo của đảng cầm quyền cần đưa ra lời kêu gọi rõ ràng như trong vòng hai bầu cử Quốc hội 2017 và 2022 về việc vận động cử tri của các đảng phái, kể cả đảng cánh hữu Những người Cộng hòa, nhằm lập “rào chắn” để ngăn chặn nguy cơ nắm quyền của phe cực hữu.

Với kết quả mới nhất, nhiều tờ báo của Pháp cho rằng đây là một “cuộc bỏ phiếu trừng phạt” đối với Tổng thống Macron. Xã luận của Le Nouvel Obs (Pháp) cho biết, bầu cử Quốc hội là một cuộc bỏ phiếu vì lịch sử bởi lần đầu tiên dưới nền Cộng hòa thứ V, cực hữu có thể giành được đa số ở Quốc hội và nhấn mạn, với việc bất ngờ giải tán Quốc hội, Macron đã đẩy đất nước vào vực thẳm lo âu. Thậm chí tờ L’Express còn đưa ra lời cảnh báo: “Một cuộc bỏ phiếu có thể để lại dấu vết không thể xóa mờ : Ví dụ Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU)”...

Trong khi đó, nhiều nước thành viên trong EU cũng đang hướng về Paris chăm chú theo dõi cuộc bầu cử Quốc hội sớm bởi Pháp là quốc gia chủ chốt của khối. Nếu lực lượng cực hữu nắm đa số trong Quốc hội thì không những cán cân quyền lực trên chính trường nước Pháp sẽ có nhiều thay đổi khó đoán định, mà EU cũng phải đối mặt với hàng loạt các thách thức trong việc thông qua các chính sách lẫn những vấn đề nóng bỏng hiện nay của châu lục trong đó cuộc xung đột ở Ukraine là một ví dụ điển hình.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.