Động lực đưa Thái Lan, Malaysia hướng tới BRICS

.

Với sức hấp dẫn của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) do Nga và Trung Quốc dẫn dắt, cùng với hàng chục quốc gia ở Nam bán cầu muốn gia nhập cơ chế này, Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia ở Đông Nam Á đang có bước đi tích cực để trở thành thành viên.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (thứ 2, bên trái sang) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trong cuộc gặp tại Putrajaya Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Malaysia
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (thứ 2, bên trái sang) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trong cuộc gặp tại Putrajaya Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Malaysia

Nikkei chỉ ra lý do mà Thái Lan và Malaysia muốn tham gia BRICS. Đó là mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng với các nền kinh tế mới nổi tương đương trong các lĩnh vực như thương mại và hợp tác đầu tư.

Ngày 28-7, hãng thông tấn Bernama dẫn lời Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, nước này đã gửi đơn đến Nga, nước hiện giữ cương vị chủ tịch luân phiên của BRICS, trong đó bày tỏ sẵn sàng tham gia nhóm với tư cách nước thành viên hoặc đối tác chiến lược. Đáp lại, Nga cam kết ủng hộ Malaysia gia nhập khối này. Cam kết này được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chuyển đến Thủ tướng Ibrahim tại cuộc gặp xã giao trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Lavrov đến quốc gia Đông Nam Á này trong hai ngày 27 và 28-7. Malaysia coi đây là cơ hội để tham gia vào chủ nghĩa đa phương đang lên, mà theo học giả Hoo Chiew Ping tại East Asian International Relations Caucus lý giải, việc tham gia vào BRICS sẽ ủng hộ một thế giới đa cực thay vì bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh lạnh mới của các cường quốc hàng đầu thế giới.

Trước đó, tháng 6-2024, Bộ Ngoại giao Thái Lan thông báo việc đệ đơn chính thức xin gia nhập BRICS, đồng thời hy vọng sớm được chấp nhận là thành viên BRICS tại cuộc họp thượng đỉnh sắp tới ở Nga. Theo Nation Thailand, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa nhấn mạnh, nước này không coi việc tham gia BRICS là hành động “chọn phe” hay là một cách để đối trọng với bất kỳ khối nào khác; đồng thời cho biết, việc trở thành thành viên BRICS là sẽ giúp củng cố vai trò lãnh đạo của Thái Lan trong cộng đồng các quốc gia mới nổi.

ABS-CBN News dẫn lời James Chin, Giáo sư nghiên cứu về châu Á tại Đại học Tasmania (Úc), cho rằng cả Thái Lan và Malaysia đều được coi là cường quốc bậc trung. “Sẽ tốt hơn nếu họ tham gia các nhóm như BRICS để có tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế. Tuy vậy, lợi ích chính sẽ là thương mại”, ông nói thêm. Trong khi đó, Piti Srisangam, Giám đốc điều hành của Tổ chức ASEAN Foundation, nhận định: “Trở thành thành viên BRICS sẽ mở ra các cơ hội thương mại và đầu tư. BRICS đã có các thành viên từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chưa có thành viên nào từ Đông Nam Á”. Rõ ràng, việc Thái Lan và Malaysia gia nhập BRICS là mong muốn đa dạng hóa các lựa chọn trên đấu trường kinh tế toàn cầu vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm. Thực tế BRICS là “ngôi nhà chung” cho các thành viên đa dạng vốn đến từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và Trung Đông.

Rõ ràng, hợp tác với các nước BRICS có thể nâng cao ảnh hưởng quốc tế và là hình mẫu trong “hợp tác Nam - Nam”, thuật ngữ được dùng để thể hiện tình đoàn kết nhân dân và sự hợp tác, trao đổi bền chặt giữa các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển trong bán cầu Nam để góp phần vào sự thịnh vượng của quốc gia.

Hiện, hàng chục nước khác ở khu vực Nam bán cầu muốn gia nhập BRICS, thể hiện sống động sức hấp dẫn của cơ chế này trong việc thúc đẩy phát triển, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và cải thiện quản trị toàn cầu. Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, BRICS không cạnh tranh hay đối đầu với bất kỳ ai.

Giới chuyên gia chính trị nhận định, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng mang tính lịch sử, việc BRICS mở rộng thành viên đã tạo sức sống mới cho cơ chế hợp tác đa phương, đồng thời tăng cường nguồn lực quan trọng cho hòa bình và phát triển thế giới bởi nhóm này đề cao tinh thần cởi mở, hợp tác cùng có lợi với cơ chế thể hiện nền tảng hợp tác quan trọng cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Điều đó càng cho thấy, BRICS đang là tổ chức đa phương nổi bật nhất với kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng chung, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và đóng góp vào việc quản trị toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn cũng như một thế giới đa cực.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.