Một loạt nước ở châu Á tiếp tục hứng chịu đợt mưa lũ nghiêm trọng khiến nhiều người chết và mất tích trong khi nắng nóng cực đoan hoành hành ở nhiều nơi.
Ngày 10-7, mưa lớn chưa từng thấy đổ xuống các khu vực phía nam Hàn Quốc, gây ra ngập lụt trên diện rộng. Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ nước này cho biết, có 4 người thiệt mạng trong các vụ việc liên quan mưa lớn. Số nạn nhân thiệt mạng dự kiến còn tăng do tiếp tục có những báo cáo về người bị mất tích ở tỉnh Bắc Chungcheong. Nhiều khu vực tại tỉnh này chứng kiến lượng mưa kỷ lục bắt đầu từ sáng sớm, trong đó thành phố Gunsan hứng lượng mưa 131,7mm trong vòng một giờ, lượng mưa hằng giờ lớn nhất từ trước đến nay trên cả nước. Đáng nói, lượng mưa kỷ lục này chiếm hơn 10% lượng mưa trung bình hằng năm của Gunsan, vốn ở mức 1.246mm. “Đây là mức độ nghiêm trọng chỉ thấy trong khoảng 200 năm một lần”, Yonhap dẫn lời một quan chức của cơ quan khí tượng nhận định.
Trận mưa lớn này đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Đến nay, có 3.000 người phải sơ tán, gần 4.000 người mất nhà cửa, nhiều ô-tô, đường xá, đê điều và các công trình công cộng ngập lụt. Mưa lớn ảnh hưởng đến hoạt động của đường hàng không và đường sắt.
Tại Trung Quốc, China Daily ngày 10-7 đưa tin lực lượng chức năng bắt đầu bơm nước lũ khỏi thị trấn Tuần Châu ở tỉnh Hồ Nam bị ngập do vỡ đê hồ Động Đình, hồ nước ngọt lớn thứ hai ở Trung Quốc. Trước đó, đoạn đê vỡ ban đầu chỉ khoảng 10m vào ngày 5-7, mở rộng đến 225m vào ngày 6-7, gây ngập diện tích lên đến 46 km2. Đến ngày 8-7, đoạn đê vỡ được đắp lại. Khoảng 210 triệu m3 nước lũ cần được bơm ra ngoài và dự kiến cần khoảng 17 ngày. Trung Quốc dành thêm 848 triệu Nhân dân tệ (2.963 tỷ đồng) để hỗ trợ nỗ lực cứu hộ lũ lụt tại các địa phương.
Tân Hoa xã ngày 8-7 cho biết, lũ lụt và lở đất cuối tuần qua tại Nepal khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, 2 người mất tích, 17 người bị thương. Theo người phát ngôn Cảnh sát Nepal, cảnh sát đang phối hợp các cơ quan chức năng và địa phương để tìm kiếm những người mất tích và hỗ trợ người dân. Lượng mưa tiếp tục tăng, thiệt hại về người và tài sản có thể còn tăng. Cũng theo Tân Hoa xã, tại nước láng giềng Ấn Ðộ, lũ lụt cũng gây thiệt hại trên diện rộng và ảnh hưởng tới khoảng 2 triệu người. Tại bang Assam ở đông bắc Ấn Ðộ, giới chức địa phương hôm 9-7 cho biết số người chết do lũ lụt đã tăng lên 72. Hoạt động cứu hộ và cứu trợ đang được tiến hành. Theo NHK, tính đến chiều 9-7, số người thiệt mạng trong vụ lở đất trên đảo Sulawesi, miền trung Indonesia sau nhiều ngày mưa lớn, tăng lên 23 người trong khi 35 trường hợp vẫn mất tích. Indonesia dễ xảy ra lở đất trong mùa mưa từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, tháng 7 thường là mùa khô và hiếm khi có mưa lớn bất thường như vụ việc nói trên.
Trong khi đó, mức nhiệt tăng lên các mốc cao kỷ lục đánh dấu giai đoạn cực đoan nhất trong lịch sử thời tiết, chưa từng có tiền lệ trong 3 thế kỷ qua tại châu Á. Theo Reuters, Ấn Độ là điểm nóng đúng nghĩa đen khi nhiều địa phương ghi nhận mức nhiệt hơn 43oC. Cục Khí tượng Ấn Độ phải ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng, đồng thời khuyến cáo sóng nhiệt sẽ tiếp tục thiêu đốt. Nước láng giềng Bangladesh cũng đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt nhất và dài nhất trong lịch sử, quy mô lan rộng đến hơn 75% diện tích đất nước, nhiệt độ thường xuyên trên 42oC. Nhật Bản cũng đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt ở nhiều nơi, 6 người ở thủ đô Tokyo được xác nhận là tử vong do sốc nhiệt. Vào cuối tuần rồi, tỉnh Shizuoka trở thành nơi đầu tiên tại Nhật Bản chứng kiến nhiệt độ đạt 40oC kể từ đầu năm 2024. Nhà chức tránh đã phải ban hành một loạt cảnh báo về sức khỏe.
NGHI VĂN