Hình ảnh nhà doanh nghiệp vĩ đại trên tờ tiền mệnh giá cao nhất Nhật Bản

.

Nhật Bản thay đổi hình ảnh ba danh nhân trên ba tờ tiền mới, bắt đầu lưu hành từ ngày 3-7-2024.

Chân dung Shibusawa Eiichi trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất (10.000 yen). Ảnh: Kyodo News
Chân dung Shibusawa Eiichi trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất (10.000 yen). Ảnh: Kyodo News

Cho đến nay, các danh nhân được chọn hầu hết là các nhà văn hóa lớn hoặc những khoa học gia để lại dấu ấn trong lịch sử. Đây là lần đầu tiên một nhà doanh nghiệp được chọn và lại được in trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất (10.000 yen). Nhà doanh nghiệp này là Shibusawa Eiichi (1840-1931). Ông được lịch sử đánh giá là ông tổ của kinh tế hiện đại Nhật Bản vì đóng vai trò tiên phong phát triển rất nhiều ngành kinh tế mới, gầy dựng một số lượng lớn doanh nghiệp là tiền thân của nhiều công ty tiêu biểu ngày nay. Hơn thế nữa, ông còn là người xác lập đạo đức kinh doanh, kết hợp lợi ích công và tư, tạo thành mẫu mực tinh thần phụng sự xã hội của doanh nghiệp.

Vào cuối thời đại Edo, giữa thế kỷ 19, Shibusawa được cử đi theo săn sóc em trai của Tướng quân Tokugawa Yoshinobu trong phái đoàn sang Pháp dự Hội triển lãm quốc tế. Do có sự thay đổi đột ngột trong chính trường Nhật Bản, phái đoàn ở lại Pháp lâu hơn dự định. Nhân dịp đó Shibusawa dành thì giờ nghiên cứu hệ thống ngân hàng và phương thức tổ chức doanh nghiệp hiện đại ở Pháp. Trở về nước thì chế độ cũ đã sụp đổ và thời đại Minh Trị Duy tân đang bắt đầu.

Cùng lúc đó, chính quyền Minh Trị đang bắt tay xây dựng đất nước dưới các khẩu hiệu “phú quốc cường binh”, “quyết theo kịp phương Tây” và nhận ra họ đương thiếu chuyên gia am hiểu các vấn đề tài chính, ngân hàng. Họ chuẩn bị gửi người đi du học nhưng được thông tin về Shibusawa. Năm 1871, họ mời ông tham gia chính quyền và bổ nhiệm ông giữ chức vụ quan trọng trong Bộ Tài chính. Với cương vị này, Shibusawa có dịp thể hiện hết tài năng của mình. Năm 1872, ông thiết lập hệ thống ngân hàng hiện đại và lập ngân hàng tiên tiến, kiểu mẫu sau đó trở thành điển hình cho một loạt ngân hàng công và tư hình thành trong giai đoạn 1877-1880. Tuy nhiên, ông làm quan chỉ trong hai năm vì muốn tự do lập nhiều doanh nghiệp tư nhân. Trong các thập niên 1880 và 1890, Shibusawa thành lập hàng trăm công ty hiện đại trong các lĩnh vực kéo sợi, dệt vải, đóng tầu, hàng hải, bảo hiểm, đường sắt... Rất nhiều công ty hàng đầu của Nhật Bản hiện thuộc nhiều lãnh vực khác nhau đã bắt nguồn từ công lao xây dựng của Shibusawa.

Sự vĩ đại của Shibusawa được thể hiện qua vài sự kiện chính như sau:

Thứ nhất, trong cuộc đời 91 năm, kể từ năm 31 tuổi, ông lập 481 công ty hiện đại, gồm toàn những ngành mới, lúc đó chỉ có ở các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ. Sau hơn 100 năm, qua quá trình sáp nhập, thay đổi, hiện nay tại Nhật Bản có 186 công ty lớn có tiền thân là những doanh nghiệp do Shibusawa lập ra.
Thứ hai, Shibusawa vận động thành lập những tổ chức công cộng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo (để nâng cao địa vị của giới doanh nhân), các cơ sở giáo dục như Đại học Hitotsubashi, Đại học nữ Nihon Joshidai... Để đất nước phát triển, ông không chỉ quan tâm kinh tế mà còn về văn hóa, giáo dục, y tế... Số lượng tổ chức ngoài kinh tế này lên tới trên dưới 600.

Thứ ba, ở các nước Âu Mỹ, nhiều nhà doanh nghiệp thành công trong kinh doanh khi đến tuổi xế chiều mới đóng góp vào việc phụng sự xã hội như làm từ thiện nhưng Shibusawa có tinh thần ấy và thực hiện ngay từ khi còn trẻ. Chẳng hạn, lúc chưa đầy 40 tuổi, ông vừa làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Đệ nhất (do ông lập ra) vừa lập Viện Dưỡng dục để chăm sóc trẻ cô nhi và giúp người nghèo.

Thứ tư, Shibusawa là người đầu tiên ở Nhật Bản kêu gọi đạo đức trong kinh doanh, chủ trương nhà kinh doanh phải là người yêu nước và có hoài bão đem năng lực cải tiến xã hội, góp phần vào việc xây dựng đất nước và làm cho đồng bào mình được no ấm.

Nói chung, ông cho rằng lợi ích tư nhân và lợi ích xã hội phải thực hiện đồng thời, công ích phải luôn là quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Cuốn sách nổi tiếng của ông “Luận ngữ và Bàn tính” nói lên hai mặt đạo đức và kinh doanh phải đi song song. Sở dĩ ông lập nhiều doanh nghiệp như đã nêu vì những công ty ông lập ra sau khi hoạt động đã đi vào quỹ đạo, ông rút lui nhường lại cho người trẻ để có thì giờ lập những công ty khác hoặc làm những việc khác vì ông thấy trong một đất nước non trẻ còn quá nhiều lĩnh vực cần ông phát huy năng lực. Ông có trên dưới 10 người con nhưng không hề áp đặt những công ty, những tổ chức do ông sáng lập phải nhận con ông vào trong ban lãnh đạo. Ông chủ truơng con cháu phải tự lập, tự mình học hỏi, trau dồi và nếu xứng đáng thì xã hội sẽ trọng dụng. 

Tên tuổi của Shibusawa được truyền tụng mãi ở Nhật Bản, chiếm một vị trí lớn trong sách giáo khoa cho học sinh các cấp. Ông là một trong những nhân vật lãnh đạo vĩ đại của thời Minh Trị và có thể nói ông là nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất của Nhật Bản xét từ mọi phương diện tài năng, đức độ và mức độ ảnh hưởng đến quá trình đưa nước này thành cường quốc kinh tế. Ông xứng đáng được chọn in hình ảnh trên tờ giấy bạc mệnh giá cao nhất.

G.S TRẦN VĂN THỌ
Tokyo, ngày bắt đầu lưu hành ba tờ tiền mới (3-7-2024)

;
;
.
.
.
.
.