Nguy cơ xung đột toàn diện Israel - Hezbollah

.

Nguy cơ xung đột vũ trang toàn diện giữa Israel và nhóm Hezbollah ở Lebanon ngày càng hiện hữu. Cho đến nay, chưa bên nào tỏ ra nhượng bộ; đặc biệt, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã phê duyệt kế hoạch cho cuộc tấn công ở Lebanon.

Theo Izvestia, người phát ngôn của IDF Anna Ukolova tuyên bố, tất cả các đơn vị đều được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. “Căng thẳng với Hezbollah đã diễn ra được 8 tháng. Quân đội đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Israel đã tiến hành huấn luyện rất nghiêm túc và tăng cường lực lượng cho khu vực biên giới phía bắc. Tất cả đã sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn. Trong trường hợp xung đột leo thang, các đơn vị sẽ được triệu tập trong vòng 5 đến 8 giờ”, bà Anna Ukolova cho biết.

Trước đó, Ngoại trưởng Israel Israel Katz, viết trên mạng xã hội rằng, Israel sắp đưa ra quyết định liên quan đến Lebanon. Theo Ngoại trưởng Israel Katz, trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện, Hezbollah sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn và Lebanon phải đối mặt với thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, Hezbollah cũng thể hiện sự cứng rắn, kiên quyết không nhượng bộ, tuyên bố sẵn sàng cho cuộc chiến với Israel. Trung tuần tháng 6-2024, Phó Tổng Thư ký Hezbollah, Naim Kassem, khẳng định: “Nếu Israel muốn tiến hành cuộc chiến tổng lực, chúng tôi sẵn sàng thực hiện điều đó”.

Hiện nay, các cuộc đàm phán giữa Israel, chính quyền Lebanon và lực lượng Hezbollah, chủ yếu dưới vai trò trung gian của Mỹ, Pháp, đều chưa mang lại hiệu quả do bất đồng quan điểm, xung đột lợi ích giữa các bên là rất lớn. Yêu cầu của Israel là chấm dứt các cuộc tấn công của lực lượng Hezbollah, nhóm vũ trang này rút quân qua sông Litani, đáp ứng Nghị quyết số 1701 được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua vào năm 2006 nhằm chấm dứt cuộc xung đột Hezbollah-Israel. Ngoài việc ngăn chặn giao tranh và rút quân, nghị quyết còn quy định giải giáp tất cả nhóm vũ trang ở Lebanon, bao gồm cả lực lượng Hezbollah. Trong khi đó, Hezbollah chỉ đồng ý ngừng bắn nếu quân đội Israel chấm dứt các hoạt động quân sự ở dải Gaza.

Theo The New York Times, trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện, Hezbollah có thể sẽ là đối thủ nặng ký hơn đối với Israel, nếu so với phong trào Hamas của Palestine. Các chuyên gia đánh giá, các thành viên Hezbollah được huấn luyện và có tính kỷ luật cao, không giống như nhiều nhóm vũ trang nổi dậy khác. Việc tham gia cuộc nội chiến ở Syria đã giúp nhiều tay súng Hezbollah có kinh nghiệm chiến đấu trên thực địa và phần lớn kho vũ khí của họ vẫn còn nguyên vẹn như tuyên bố gần đây của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.

Izvestia dẫn nhận định của nhà phương Đông học, chuyên gia Andrey Ontikov nhấn mạnh, cuộc xung đột Israel và Hezbollah sẽ kéo theo sự vào cuộc của các nước lớn trong và ngoài khu vực. Trên mạng xã hội X, phái đoàn Iran tại LHQ gần đây cho biết, Iran coi cảnh báo của Israel về hành động quân sự tại Lebanon là “chiến tranh tâm lý” nhưng nếu Israel có hành động gây hấn quân sự toàn diện, một cuộc chiến quy mô lớn sẽ xảy ra sau đó. Đáng chú ý, cuối tháng 6-2024, Liên đoàn Arab tuyên bố ngừng coi Hezbollah là tổ chức khủng bố. Quyết định được đánh giá là hệ quả tất yếu của việc bình thường hóa quan hệ giữa Arabia Saudi và Iran, đồng thời giúp thiết lập mối liên hệ giữa các quốc gia Arab với Hezbollah. Do đó, tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Hezbollah đồng nghĩa với việc Israel chấp nhận đối mặt với sức ép từ các quốc gia Arab trong khu vực.

Đến nay, Mỹ được xem là quốc gia tích cực nhất tìm kiếm giải pháp nhằm xoa dịu xung đột giữa Israel và Hezbollah. Theo Washington Post, Chính phủ Mỹ đang nghiên cứu nhiều phương án giải quyết căng thẳng giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon, trong đó ưu tiên phương án kiềm chế giao tranh giữa các bên. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nhấn mạnh, “ngoại giao là cách tốt nhất để ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa. Vì vậy, Mỹ kêu gọi các bên tìm kiếm thỏa thuận ngoại giao nhằm khôi phục hòa bình, ổn định cho biên giới phía bắc của Israel và cho phép dân thường ở cả hai bên biên giới Israel - Lebanon trở về nhà an toàn. Theo RBC, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, Mỹ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quy mô lớn khác ở Trung Đông. Mặc dù luôn cam kết bảo vệ Israel, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không ủng hộ các cuộc tấn công và vạch ra “ranh giới đỏ” cho Chính phủ Israel.

HÙNG LÂM

;
;
.
.
.
.
.