Nhiệm kỳ không suôn sẻ của Hungary

.

Mối quan hệ vốn lâu nay “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa các nước trong Liên minh châu Âu và Hungary lại thêm hục hặc khi khối này đang cân nhắc một bước đi chưa từng có: tẩy chay hội nghị về đối ngoại của Hungary vào tháng tới.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại cuộc họp báo chung với lãnh đạo Slovakia tại Budapest ngày 16-1. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại cuộc họp báo chung với lãnh đạo Slovakia tại Budapest ngày 16-1. Ảnh: Reuters

Theo Guardian, ngày càng không hài lòng vì sự cản trở chính sách đối ngoại của EU từ Hungary, các quan chức hàng đầu của EU quyết định tẩy chay nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Hungary sau khi Thủ tướng Viktor Orban thực hiện một loạt các chuyến thăm và cuộc họp bất thường với lãnh đạo nhiều nước về vấn đề Ukraine khiến các lãnh đạo châu Âu tức giận.

Dự kiến Hungary có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh về đối ngoại của EU tại Budapest vào ngày 28 và 29-8, một cơ hội để Thủ tướng Orban nỗ lực định hình chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của khối. Tuy nhiên, ngày 15-7, ông Eric Mamer, phát ngôn viên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cho biết, các bộ trưởng ngoại giao EU sẽ tỏ thái độ quay lưng với Hungary bằng cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh ngoại giao riêng của họ vào tháng 8-2024, thay vì đến Budapest để tham dự sự kiện do nước đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU chủ trì. Các cuộc họp bộ trưởng chính thức sẽ được diễn ra tại Brusseles và Luxembourg bởi các hoạt động này không phụ thuộc vào nước đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên EU.

Trong khi đó, các cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu diễn ra tại Hungary sẽ chỉ có đại diện quan chức cấp cao tham dự. “Trước những diễn biến gần đây đánh dấu sự bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Hungary, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen quyết định sẽ chỉ cử cán bộ đại diện tham gia các cuộc họp không chính thức của Hội đồng”, Euronews dẫn lời ông Mamer cho biết. Ngoài ra, các chuyến thăm theo thông lệ của phái đoàn EC tới nước giữ ghế Chủ tịch Hội đồng EU cũng bị hủy.

Hungary đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên EU bắt đầu từ ngày 1-7 cho đến hết năm 2024. Ngay sau khi đảm nhiệm, Thủ tướng Orban đến thăm Ukraine, Nga, Azerbaijan, Trung Quốc và Mỹ trong chuyến công du mà ông tuyên bố là “sứ mệnh hòa bình” nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Động thái này khiến nhiều nhà lãnh đạo EU tỏ ra không hài lòng khi họ cho biết họ không được thông báo trước về kế hoạch của ông Orban. Thậm chí, EC còn cáo buộc Thủ tướng Orban có hành vi lạm quyền và hình ảnh của EU, đi ngược lại các chủ trương của EU là duy trì sự ủng hộ cho Ukraine.

Trong khi đó, theo Euronews, Cố vấn chính trị của Thủ tướng Hungary, Balazs Orban cho biết, ông Orban đã thông báo chi tiết cho các nhà lãnh đạo EU về các chuyến thăm Nga, Ukraine và Trung Quốc. Theo ông Balazs Orban, những chuyến thăm này rất quan trọng vì hiện Hungary là quốc gia duy nhất có thông tin mới và cụ thể về các bên tham gia xung đột và những bên trung gian quan trọng nhất. Hungary sẽ tận dụng toàn bộ nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình và xem xét các sáng kiến chính trị. Cũng theo quan chức này, kế hoạch hòa bình của ông Orban nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine đã được đặt lên bàn thảo luận của tất cả các nhà lãnh đạo EU, nếu châu Âu nghiêm túc về vấn đề này, họ có thể tạo ra “một kế hoạch có ít nhất một cơ hội thực hiện”. Theo Euronews, phản ứng trước động thái của EU, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Hungary Janos Boka cho rằng, EU không thể tự chọn các tổ chức và quốc gia thành viên mà họ muốn hợp tác, đồng thời cho biết ông Orban vẫn cam kết hợp tác để giải quyết những thách thức chung.

Theo AFP, Kinga Gal, nghị sĩ EU, Phó Chủ tịch đảng Fidesz của Thủ tướng Orban, cáo buộc động thái này là một phần trong chiến dịch thu hút phiếu bầu của bà Ursula von der Leyen trước cuộc bầu cử chủ tịch EC vào ngày 18-7. “Chúng tôi đã quen với việc bà ấy sử dụng các thể chế EU để gây áp lực chính trị, kinh tế, chống lại Hungary. Đây là điều đi ngược lại tiêu chí hợp tác của châu Âu, không thể chấp nhận được”, AFP dẫn lời bà Gal nói. Văn phòng Chủ tịch EC chưa phản hồi về chỉ trích này.

Ngay cả trước cuộc xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng giữa EU và Hungary đã gia tăng trong nhiều năm. EU chỉ trích Hungary đi ngược lại các chuẩn mực về pháp quyền, gây gián đoạn hoạt động của EU bằng cách ngăn chặn việc thông qua luật hoặc ngân sách để đạt được nhượng bộ trong những lĩnh vực không liên quan. Theo Political, bằng cách phớt lờ hội nghị thượng đỉnh về ngoại giao ở Budapest, các bộ trưởng EU khác hy vọng sẽ hạn chế được những hành động bất ngờ của Hungary. Ngoài ra, thông qua động thái cứng rắn này, các bộ trưởng ngoại giao EU khác muốn gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng Hungary không đại diện cho EU.

Giới quan sát dự đoán, Hungary khó có thể thực hiện những hành động mà giới chức EU cho là “không thể cứu vãn” với tư cách chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Dẫu vậy, làn sóng chỉ trích tồn tại ngay trong nội bộ “mái nhà chung” này khiến cho nhiệm kỳ của nước này trở nên bị lu mờ một cách đáng tiếc. 

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.