Ông Biden trước sức ép rời cuộc đua tái tranh cử

.

Sau màn tranh luận yếu thế trước đối thủ Donald Trump cuối tuần qua, làn sóng nghi ngại, lo lắng trong dư luận Mỹ, thậm chí kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden rút khỏi cuộc đua tái tranh cử thêm tăng nhiệt, tạo thành “dàn đồng ca” gây sức ép rất lớn với ông Biden. Tuy nhiên, việc ông Biden đi tiếp hay dừng lại vẫn là điều khó đoán.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Donald Trump tại Atlanta. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Donald Trump tại Atlanta. Ảnh: Reuters

Sự lo lắng bao trùm

Màn “so găng” tranh luận lịch sử giữa hai ông Biden và Trump đã kết thúc nhưng dư âm thì vẫn được truyền thông không ngừng “mổ xẻ”. Nhiều tờ báo lớn của Mỹ đồng loạt đăng bài xã luận chỉ với thông điệp chung duy nhất: ông Biden nên rút lui khỏi cuộc đua để nhường cơ hội tranh cử lại cho ứng viên khác trong đảng Dân chủ nếu còn muốn ngăn ông Trump trở lại Nhà Trắng. Với thông điệp cứng rắn nhất, Wall Street Journal nhận định, đảng Dân chủ nên nghiêm túc cân nhắc việc thay ứng viên tổng thống bởi đây không còn là quyết định vì quyền lợi đảng phái, mà là lựa chọn vì tương lai đất nước.

Bên cạnh sự phản ứng của truyền thông, theo AP, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cũng gây bất ngờ khi kêu gọi phế truất Tổng thống Biden dựa theo Tu chính án số 25 của Hiến pháp Mỹ, trong bối cảnh có nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cùng chung tâm trạng thất vọng với màn trình diễn quá khiêm tốn của ông Biden. Theo Tu chính án số 25, nếu Phó Tổng thống và đa số bộ trưởng trong nội các đồng ý rằng tổng thống không thể đảm trách quyền lực và trách nhiệm, Phó Tổng thống sẽ lên nắm quyền. Huffpost dẫn lời nghị sĩ Dân chủ David Plouffe, cựu cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng ông Biden phơi bày điểm yếu về mặt tuổi tác trong cuộc tranh luận khi chỉ hơn ông Trump 3 tuổi, nhưng những gì mà ứng viên này thể hiện trong buổi tranh luận như thể cách nhau tận 30 tuổi. Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài cũng không khỏi lo ngại về số phận chiến dịch tái tranh cử của ông Biden trong thời gian tới.

Theo The New York Times, nhiều nhà tài trợ hàng đầu đã tham vấn các cố vấn chính trị về những quy tắc để có thể thay thế ông Biden trước hoặc trong Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào tháng 8-2024, thời điểm chính thức công bố người đại diện đảng này tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024. Một số nhà tài trợ đang cố gắng tiếp cận bà Jill Biden, vợ ông Biden, để đề nghị bà thuyết phục chồng mình từ bỏ cuộc đua, thậm chí có ý kiến còn kêu gọi tiến hành một chiến dịch công khai để gây áp lực lên ông Biden.

Đi tiếp hay dừng lại?

Diễn biến nói trên đặt đảng Dân chủ vào tình thế hoang mang về việc liệu có nên tiếp tục ủng hộ ông Biden trong cuộc đua hay không. Các nguồn tin cho biết, hiện đảng Dân chủ có ba nhóm ý kiến: một nhóm sẽ bảo vệ ông Biden trong mọi trường hợp; một nhóm đã sẵn sàng để loại bỏ ông; và một nhóm đang chờ đợi xem ông Biden sẽ làm gì, cũng như chờ xem các thăm dò về ông sẽ như thế nào trong những ngày tới, trước khi họ đưa ra quyết định.

Theo Reuters, một số nghị sĩ đảng Dân chủ đề cập “phương án B” hay ứng viên thay thế vị tổng thống 81 tuổi. Trong trường hợp giả định, nếu ông Biden rút khỏi đường đua, một trong những lựa chọn khả năng cao thay thế là Phó Tổng thống Kamala Harris (59 tuổi). Song, bà cũng chỉ là một trong những lựa chọn được đề cử, bên cạnh những gương mặt mới như Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc bang Illinois JB Pritzker...

CNBC nhận định, việc tìm ứng cử viên thay thế ông Biden là điều rất khó diễn ra bởi nhiều rào cản. Trước hết, nếu ông Biden bị thay thế sẽ gây ra rủi ro chính trị to lớn trong khi ngày bầu cử đang cận kề. Chưa kể, cho đến thời điểm hiện tại, các đồng minh thân cận nhất của ông Biden khẳng định ông vẫn ở vị thế tốt để cạnh tranh với ông Trump và không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ ép ông kết thúc chiến dịch tranh cử. Theo CNN, Hạ nghị sĩ Nam Carolina Jim Clyburn, đồng minh thân cận của ông Biden, khẳng định: “Ông Biden có thể đã có một buổi tối tranh luận tồi tệ, nhưng chúng tôi không muốn 4 năm tồi tệ dưới thời ông Trump. Chúng ta còn chặng đường dài cho đến ngày bầu cử’.

Tất nhiên, dù ai nói nói gì thì chỉ có ông Biden mới là người đưa ra quyết định đi tiếp hay dừng lại trong cuộc đua khó đoán định như vậy. Thực tế, ngay sau buổi tranh luận, ngày 29-6, ông Biden vẫn tự tin phát biểu tại các cuộc gây quỹ tranh cử tại New York và New Jersey nhằm trấn an các nhà tài trợ và kêu gọi họ tiếp tục ủng hộ mình. “Tôi biết mình không còn trẻ. Tôi không thể đi lại dễ dàng, nói chuyện trôi chảy và tranh luận tốt như trước nữa, nhưng tôi biết cách hoàn thành công việc và hiểu rõ những gì mà hàng triệu người Mỹ nghĩ: Khi bạn bị đánh gục, bạn sẽ đứng dậy mạnh mẽ hơn”, ông Biden phân trần với CNN.

Trong khi đó, NBC News dẫn nguồn thạo tin cho biết ông Biden họp với các thành viên gia đình để thảo luận về tương lai chiến dịch tái tranh cử tại Trại David vào ngày 30-6. Giới quan sát tin rằng sau khi tham khảo ý kiến từ gia đình, ông Biden mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Các cuộc thăm dò từ CNN và 538/Ipsos được tiến hành ngay sau cuộc tranh luận cho thấy hầu hết những người theo dõi sự kiện này đều cho rằng ông Trump làm tốt hơn ông Biden. Tuy nhiên, mức độ ủng hộ dành cho hai ông hầu như không thay đổi, giống như sau khi ông Trump bị kết tội hình sự ở New York trước đó.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.